Phát triển du lịch biển Cù Lao Chàm

Du lịch Quảng Nam đã lấy lại đà tăng trưởng một cách thuyết phục qua những con số thật sự ấn tượng. Gần 1,2 triệu lượt khách đến Quảng Nam trong từ đầu năm 2015 đến nay, trong đó có trên 730.000 lượt khách quốc tế tham quan biển đảo Cù Lao Chàm. 

Đây là kết quả của một chuỗi nỗ lực từ việc cải tiến chất lượng các loại hình dịch vụ, khai trương các sản phẩm du lịch mới, nhất là du lịch văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch biển đảo, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá về du lịch biển đảo trong và ngoài nước với những cơ chế ưu đãi để thu hút du khách.

Lặn biển, sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách ở Cù Lao Chàm.


Bà Trần Thị Hồng Thúy, Gíam đốc Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm khẳng định: Với hơn 300 loài san hô, thuộc 40 giống và 17 họ, vùng biển Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những vùng biển có hệ sinh thái đa dạng và phong phú bậc nhất ở nước ta. Trung bình mỗi năm, vùng biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Sản phẩm du lịch kết hợp lặn biển đã bắt đầu hình thành và thu hút được phần lớn lượng khách du lịch. Để phục vụ khách tham quan, lặn biển, cùng với sự nỗ lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, được sự giúp đỡ của tổ chức quốc tế “Rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF), Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và cộng đồng dân cư nơi đây đã triển khai dự án phục hồi lại những rạng san hô quý giá này. Dự án phục hồi và phát triển rặng san hô vùng biển Cù Lao Chàm không những góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh thái trong lòng biển mà còn mở ra triển vọng mới về sản phẩm du lịch biển đảo đầy tiềm năng. Từ những lợi thế này, tỉnh Quảng Nam đã chọn sản phẩm lặn biển và du lịch sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm để làm “điểm nhấn” cho mục tiêu mở rộng không gian và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, làm mới sản phẩm du lịch nhằm đưa kinh tế du lịch của địa phương phát triển bền vững trong những năm tới.

Theo các chuyên gia du lịch, tỉnh Quảng Nam đang sở hữu những tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có được. Đó là không gian du lịch rộng lớn, trải dài và rộng khắp từ đại ngàn đến biển khơi và hải đảo. Những tài sản mà địa phương đang sở hữu, trước hết phải kể ba điểm đến cực kỳ hấp dẫn và thu hút phần lớn khách du lịch trong nước và quốc tế là phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Tuy nhiên trong những năm qua, du lịch biển và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm chưa được quan tâm đúng mức để khai thác có hiệu quả và bền vững.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch biển đảo, tỉnh Quảng Nam đang triển khai thực hiện các giải pháp cơ bản là: Thực hiện chính sách đầu tư phù hợp, có sự phối hợp và tạo điều kiện giữa cộng đồng doanh nghiệp và địa phương; làm tốt công tác khai thác điều phối thị trường, nhất là những thị trường truyền thống, quan tâm hơn nữa đến khách du lịch nội địa, mở rộng không gian và xóa dần sự đơn điệu của sản phẩm đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ. Để hiện thực hóa những vấn đề này, Quảng Nam sẽ tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp, các địa phương đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại các điểm đến đã có thương hiệu như Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và các Di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn theo hướng nâng cao chất lượng các gói dịch vụ nhằm tạo ra các chuỗi giá trị một cách bền vững. Mặt khác tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển, lặn biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm theo hướng nâng cao chất lượng các gói dịch vụ nhằm tạo ra các chuỗi giá trị một cách bền vững là mục tiêu được ngành du lịch Quảng Nam hướng tới trong thời gian đến.

Để phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, một chuỗi sản phẩm du lịch mới đã được hình thành ở tỉnh Quảng Nam như: Tham quan Bãi Làng, tham quan Chùa Hải Tạng kết hợp với dịch vụ giới thiệu và dạy các nghề truyền thống của cư dân trên đảo Cù Lao Chàm. Tham quan đình ông Tổ nghề khai thác tổ yến, kỹ thuật khai thác, chế biến các sản phẩm từ yến, lặn tham quan các rặng san hô, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và các hoạt động văn hóa cộng đồng cư dân làng chài ven biển. Điểm nhấn độc đáo nhất là “Đêm Cù Lao Chàm” tuy mới “trình làng” nhưng đã thật sự trở thành sản phẩm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.


Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung



Đưa mô hình trồng rau thủy canh ra Cù Lao Chàm
Đưa mô hình trồng rau thủy canh ra Cù Lao Chàm

Nhằm giúp Cù Lao Chàm có nguồn rau sạch để cung cấp cho người dân cũng như khách du lịch, Phòng Kinh tế thành phố Hội An đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã thử nghiệm thành công mô hình trồng rau thủy canh tại Cù Lao Chàm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN