Phát triển du lịch nông thôn - Bài cuối: Khai thác giá trị nổi bật để tạo sản phẩm đặc sắc

Phát triển du lịch nông thôn nước ta đã được nhiều địa phương khai thác, thực hiện ở nhiều quy mô khác nhau. Tuy nhiên, thực tế, mức độ quan tâm của các địa phương còn khá hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của một đất nước nông nghiệp.

Việc phát triển du lịch nông thôn hiện nay còn đang mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún… Trong tương lai, du lịch nông thôn vẫn cần có sự đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp, hệ thống, nhất là việc khai thác các giá trị nổi bật để tạo ra sản phẩm dấp dẫn du khách.

Chủ yếu khai thác tài nguyên sẵn có

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các dịch vụ du lịch khu vực nông thôn được khai thác dựa vào giá trị tài nguyên đặc sắc, góp phần mở rộng không gian du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách.

Các hoạt động được khai thác phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách gồm có tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống như trồng lúa, bắt cá, ở nhà dân, đi cày, đi bừa, bắt cá; di chuyển bằng phương tiện truyền thống như xe bò, xe trâu, xuống ba lá, thuyền thúng. Ngoài ra còn có chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng thảo dược địa phương, giải trí, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ hội truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương...

Chú thích ảnh
Du khách quốc tế hào hứng khi được làm nông dân và trải nghiệm cuộc sống của người trồng thanh long ở vùng nông thôn đặc trưng của Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Một sản phẩm du lịch đặc sắc của khu vực nông thôn chính là dịch vụ lưu trú homestay (nhà ở của người dân có phòng khách du lịch cho thuê). Dịch vụ homestay ở các vùng nông thôn, vùng cao phục vụ khách ở Việt Nam ngày càng phát triển và đem lại sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân bản địa, cùng sinh hoạt và lao động sản xuất với người dân bản địa nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và khám phá các giá trị văn hóa bản địa. Dịch vụ homestay được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi (như Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang…). Một số mô hình homestay được đầu tư, vận hành và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, bài bản hướng tới tiêu chuẩn chất lượng cao.
 
Tuy vậy, Tổng cục Du lịch thẳng thắn nhìn nhận, nhiều vùng nông thôn chỉ tập trung khai thác tài nguyên sẵn có, dựa chủ yếu vào yếu tố cảnh quan, sinh thái. Một số nơi coi phát triển du lịch như phong trào, dẫn tới sự phát triển ồ ạt, phá vỡ cảnh quan. Nhiều địa phương chưa nhìn nhận du lịch là hoạt động kinh tế phải gắn với thị trường và năng lực cung ứng sản phẩm dẫn đến không có thị trường khách ổn định, thiếu sự kết nối thành tour tuyến hoàn chỉnh. Việc khai thác yếu tố sản xuất nông nghiệp, nông thôn và du lịch còn rời rạc, chưa có sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở hình thành chuỗi giá trị.

Quy hoạch phát triển du lịch gắn với phát triển nông thôn chưa được chú trọng. Phần lớn hoạt động du lịch tại khu vực nông thôn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Một số mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn khách. Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch nông nghiệp nhưng chưa quan tâm đến quy hoạch phát triển khu, điểm du lịch mang văn hóa, cảnh quan gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc trưng khác biệt…

Thêm vào đó, dịch vụ du lịch nông thôn còn đơn điệu, nghèo nàn, ít sáng tạo. Phần lớn sản phẩm du lịch nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức độ đơn giản. Chi tiêu của khách còn rất thấp chủ yếu mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở...

Hầu hết khu vực nông thôn chưa phát triển các dịch vụ bổ trợ để tăng chi tiêu của khách. Vùng đồng bằng sông Cửu Long tour chủ yếu là du lịch miệt vườn, sông nước; tour vùng Tây Bắc chủ yếu ngủ nhà sàn, ăn cơm lam, tham gia múa sạp... Giá trị cốt lõi của nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống, dấu ấn đặc trưng vùng miền chưa được khai thác chuyên nghiệp.

Chú tâm khai thác giá trị nổi trội và khác biệt

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Trong thời gian tới, ngành Du lịch và các địa phương cần có định hướng, đầu tư phát triển tốt hơn loại hình du lịch này.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, có định hướng phát triển sản phẩm một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện từng địa phương, vùng miền. Các địa phương, đơn vị làm du lịch cần nỗ lực khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt của từng nơi để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc. Cùng với việc gia tăng lượng khách du lịch, các bên liên quan cần nghiên cứu gia tăng các giá trị văn hóa trong du lịch, tăng chi tiêu của khách du lịch.

Thứ trưởng mong muốn các cơ quan chức năng, địa phương tập trung thu hút các nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cơ sở lưu trú, giao thông…; ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, để khắc phục những hạn chế, phát huy tiềm năng thế mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, các địa phương cần lập quy hoạch các khu vực đủ điều kiện phát triển du lịch.

Các địa phương cần rà soát, quy hoạch, phát triển du lịch nông thôn, gắn chặt với mục tiêu phát triển nông thôn mới để quyết định hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cao. Các địa phương cần xây dựng bản đồ du lịch nông thôn trong đó cần chỉ ra các khu vực có khả năng đầu tư, nâng cấp thành sản phẩm du lịch có tính khác biệt cao.

Điều kiện tiên quyết là sản phẩm du lịch nông thôn phải được khai thác dựa trên giá trị cốt lõi/thế mạnh sản xuất nông nghiệp của vùng, đảm bảo sự hoàn chỉnh của dịch vụ du lịch, hình thành chuỗi giá trị du lịch - nông nghiệp, tránh sự phát triển ồ ạt, quy mô manh mún. Cảnh quan du lịch nông thôn phải đảm bảo giá trị sinh thái, bản sắc văn hóa đặc trưng của khu vực, chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái (đồi chè, vườn dược liệu, khu vực canh tác truyền thống, chợ quê…).

Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn phải dựa trên nhu cầu thị trường trong đó cần tập trung đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách: Khai thác các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương: vận động giải trí ngoài trời; trải nghiệm học tập; hoạt động thư giãn, trải nghiệm cuộc sống người bản địa. Cần chú trọng xây dựng kỹ năng trình diễn, thuyết minh, sử dụng nghệ nhân của địa phương để truyền tải thong tin về điểm đến. 

Ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn. Trong đó, phát triển nhưng vẫn làm tốt việc giữ gìn giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường, cảnh quan nông thôn. Đặc biệt là phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, trong đó có lợi ích của người dân, nhất là những người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch tại nông thôn. Trong bối cảnh hiện đại ngày nay, các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá các điểm đến du lịch nông nghiệp.

Thanh Giang (TTXVN)
Phát triển du lịch nông thôn - Bài 2: Du lịch cộng đồng ở vùng 'đệ nhất danh trà'
Phát triển du lịch nông thôn - Bài 2: Du lịch cộng đồng ở vùng 'đệ nhất danh trà'

Thái Nguyên được mệnh danh là “đệ nhất danh trà” với những vùng chè đặc sản nổi tiếng như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài, Sông Cầu… Sản phẩm chủ lực là cây chè nhưng người dân nơi đây đã có nhiều sáng tạo, “lấn sân” làm du lịch cộng đồng để quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm thực tế ấn tượng trong không gian văn hóa trà độc đáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN