Tỉnh phát triển du lịch nông nghiệp thành kỳ nghỉ vùng quê, đồng thời liên kết với chương trình chuyển đổi ngành Nông nghiệp chuyên sản xuất nông sản sang làm kinh tế và dịch vụ. Cách làm này về lâu dài, Nghệ An muốn phát triển bền vững vùng nông thôn, đồng thời cung cấp cho ngành du lịch nhiều sản phẩm mới.
Đáp ứng nhu cầu “du lịch xanh” của du khách
Hiện nay, khu vực nông thôn mang tới thời cơ để phục hồi ngành Du lịch, khi du khách tìm đến những điểm mới, vắng người, trải nghiệm không gian và hoạt động ngoài trời. Thay vì lựa chọn ở trong các khách sạn, nhà nghỉ khép kín, du khách chuyển sang lựa chọn “khách sạn xanh”, “cuộc sống xanh” cùng với người dân nông thôn và tham gia các trải nghiệm cuộc sống nhà nông trong những không gian mở, an toàn.
Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) từ lâu là điểm đến quen thuộc của rất nhiều du khách trong và ngoại tỉnh khi đến Nghệ An. Với mục tiêu xây dựng vùng trồng sen có quy mô lớn, đủ các loại hoa sen, tạo nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm từ cây sen nhằm thu hút và phục vụ cho khách tham quan, đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã xuống hơn 70 giống sen khác nhau với hơn 200 ha.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng, thưởng thức các sản phẩm từ hoa sen cổ màu hồng, trắng và vàng. Đây là ba giống sen chủ đạo được Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác trồng phục vụ khách du lịch. Ngoài chụp ảnh với sen, du khách còn được tham gia các khâu kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến sen và thưởng thức nghệ thuật ẩm thực từ sen.
Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác chia sẻ, khách du lịch về quê Bác đều có nhu cầu mua một vài sản phẩm đem về làm kỷ niệm. Do đó, Hợp tác xã đã cho ra đời 15 sản phẩm chế biến từ sen làm quà lưu niệm, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 - 5 sao OCOP. Hợp tác xã đang hoàn thiện mô hình trải nghiệm du lịch canh nông, tổ chức tour “Một ngày làm nông dân” cho các hộ gia đình, nhóm bạn (10 người), đặc biệt là trẻ nhỏ được tham gia trải nghiệm cuộc sống dân dã như: nơm cá, nướng cá, trồng sen, làm sản phẩm thủ công từ sen, hát dân ca ví, giặm… vào cuối tuần.
Nắm bắt nhu cầu trải nghiệm ngày càng phong phú, hấp dẫn với nhiều dịch vụ phù hợp, nhiều Khu du lịch sinh thái, làng nghề hay Hợp tác xã tận dụng thiên nhiên sẵn có đã đầu tư mở rộng các sản phẩm du lịch thu hút du khách. Các hoạt động trải nghiệm nhà nông: trải nghiệm trồng trọt; trải nghiệm chăn nuôi; trải nghiệm chế biến thủy hải sản, thu hoạch..., trong đó du khách được trải nghiệm trồng cây ăn trái, thu hoạch cây trồng cùng nhà nông, còn người nông dân truyền tải các kiến thức nhà nông về cây trồng, vật nuôi đặc trưng vùng miền cho du khách hiểu.
Đã nhiều lần cho con tham quan mô hình trồng và thu hái dâu tây, nho, dưa lưới tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh (xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên), chị Thanh Huyền ở thành phố Vinh chia sẻ, với trẻ nhỏ ở thành thị, không gian sống hẹp, không có nhiều điều kiện được hòa mình với thiên nhiên, nhất là sau những giờ học tập, những chuyến du lịch trải nghiệm tại các trang trại, khu sinh thái vùng ngoại thành trở nên quý giá. Các con được tìm hiểu về hoa lá, cỏ cây, các loại động vật cũng như phương thức trồng trọt, chăn nuôi, từ đó các con thêm yêu thiên nhiên, quý trọng cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh cho biết, đáp ứng nhu cầu du khách muốn thưởng thức thực phẩm tươi sạch, giúp du khách trải nghiệm ẩm thực đặc sắc mang đậm dấu ấn vùng miền, Hợp tác xã đã xây dựng dịch vụ trải nghiệm ngắn ngày, trải nghiệm trong ngày. Không chỉ được thưởng thức sản phẩm nông nghiệp, du khách còn thỏa sức check-in ở địa điểm “xanh mướt” này.
Cùng với sản phẩm cá thu nướng, tôm nõn, nước mắm là một trong những sản phẩm đặc trưng của du lịch biển Cửa Lò. Tại Làng nghề nước mắm truyền thống Hải Giang 1, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, kể từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, nước mắm Hải Giang 1 đã giúp người dân nâng cao mức thu nhập. Hằng năm, làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu lít nước mắm, tổng thu nhập khoảng 35 tỷ đồng/năm.
Theo bà con làng nghề nước mắm Hải Giang 1, để làm tốt việc mở rộng thị trường, bên cạnh việc áp dụng sản xuất theo phương pháp truyền thống và sử dụng công nghệ mới hỗ trợ lọc bỏ các chất độc hại, thì sản phẩm làng nghề được đóng chai với nhiều kích cỡ khác nhau, bên ngoài ghi đầy đủ thông tin cần thiết. Ông Hoàng Đức Thương, Trưởng Ban Quản lý làng nghề nước mắm Hải Giang 1 chia sẻ: “Nhờ sự thay đổi này, sản phẩm làng nghề đã bước đầu tiếp cận với một số du khách và tiêu thụ được một lượng sản phẩm nhất định. Thời gian tới, làng nghề sẽ cho ra sản phẩm nước mắm cốt dạng cô đặc để thuận tiện cho du khách khi vận chuyển đi xa hay làm quà biếu tặng”.
Xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp “bốn mùa”
Du lịch nông nghiệp là sản phẩm khá mới mẻ ở Nghệ An. Bên cạnh những lợi thế, ưu điểm, còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là du lịch nông nghiệp ở Nghệ An chưa mang tính tổng thể, toàn diện; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch nông nghiệp; chưa thực sự gắn kết với xây dựng nông thôn mới nên chưa phát huy được nguồn vốn lồng ghép từ các ngành khác để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và các giá trị về văn hóa, cảnh quan môi trường, làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Các nhà quản lý và các doanh nghiệp du lịch đã chỉ ra, phần lớn mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, chưa giải quyết được các vấn đề về đa dạng sản phẩm, kết nối quảng bá sản phẩm và tổ chức quản lý, phát triển mô hình; thiếu sự liên kết giữa các hộ nông trong vùng phát triển du lịch. Kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành với các điểm đến du lịch nông nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu tính chuyên nghiệp. Du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một lực đẩy để phát huy tiềm năng và lợi thế.
Thực tế, Nghệ An có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và có các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời, phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều trang trại nông nghiệp học đường, khu sinh thái nông nghiệp xuất hiện phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, kết nối cùng các làng nghề, làng cổ tạo thành các điểm đến hấp dẫn tại khu vực ngoại thành.
Tận dụng lợi thế trên, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương quy hoạch chi tiết không gian của các trang trại, nhà vườn gắn phát triển nông nghiệp, phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống địa phương với phát triển du lịch.
Đặc biệt, Nghệ An xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, trọng tâm của tỉnh, của huyện, của xã, của làng; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp “bốn mùa”. Vùng ven biển nơi tập trung rất nhiều làng nghề liên quan đến đánh bắt hải sản và sản xuất các thực phẩm từ hải sản như: nước mắm, cá biển khô, tôn nõn khô..., vì vậy, xây dựng các chương trình du lịch làng nghề tại các vùng ven biển. Vùng ven đô và vùng đồng bằng, kết hợp các điểm du lịch văn hóa, di tích lịch sử, khu du lịch sinh thái trong các tour du lịch, tạo thêm điểm nhấn cho du khách khi tham quan du lịch tại địa phương. Vùng miền núi tập trung các sản phẩm homestay, trải nghiệm văn hóa các dân tộc, làng nghề, nghề nông nghiệp. Nghệ An tập trung phát triển về du lịch nông thôn gắn với các hoạt động như trải nghiệm, khám phá các quy trình sản xuất của mỗi nghề cho du khách tham gia.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường, để tạo được những sản phẩm du lịch nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng của địa phương, ngành Du lịch chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề. Mô hình trang trại đồng quê được khai thác phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần kết hợp khai thác các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống...
Ngành xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các khu, điểm, cụm du lịch nông thôn nhằm đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch khu vực nông thôn; tổ chức tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm giữa các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Mặc dù có tiềm năng, lợi thế thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển nhưng để sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, thu hút du khách, Nghệ An cần có chính sách phát triển du lịch nông nghiệp với các chủ trương, cơ chế đồng bộ, đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng; về quản lý, hỗ trợ du lịch nông nghiệp; quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp.