Đa dạng nhưng thiếu bản sắc
Trong 3 năm trở lại đây, quà tặng lưu niệm được các tỉnh thành thu hút đông du khách quan tâm nhằm định hình tạo ra sản phẩm vừa quảng bá hình ảnh du lịch điểm đến, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, Ninh Bình xác định lấy du lịch sinh thái, du lịch xanh, gắn với văn hóa, lịch sử, di sản là một trong những điểm nhấn quan trọng để xây dựng các sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng: “Việc phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm tại địa phương còn hạn chế, chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, một số sản phẩm trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về văn hóa, con người của vùng đất cố đô. Số lượng đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh quà tặng du lịch, quà lưu niệm trên địa bàn tỉnh chưa nhiều”.
TS. Nguyễn Huy Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận xét, sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm của Ninh Bình chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số mặt hàng được bày bán, giới thiệu trên địa bàn; đặc biệt, ít sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm gắn với biểu trưng văn hóa của tỉnh. Chính việc thiếu sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm độc đáo mang bản sắc riêng đã làm hạn chế chi tiêu, mua sắm của khách, dẫn đến tình trạng lượng du khách khá cao, nhưng tổng doanh thu từ du lịch của Ninh Bình còn khiêm tốn.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ: Xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là thế mạnh của Thủ đô, thành phố đã ban hành đề án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nghề và làng nghề. Trong đó, tham mưu phát triển làng nghề và nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí phục vụ du lịch, dần đưa các làng nghề trở thành trung tâm bán hàng lưu niệm thủ công truyền thống đặc trưng hấp dẫn khách du lịch, kết hợp cung ứng trải nghiệm hoạt động sản xuất trực tiếp. Trong 2 năm liên tiếp, Hà Nội tổ chức lễ hội quà tặng vừa để quảng bá, vừa định hình sản phẩm quà tặng chính. Đặc biệt, Sở xác định xây dựng câu chuyện văn hóa cho các sản phẩm quà tặng du lịch, đưa giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất lên các sản phẩm lưu niệm. Đây chính là yếu tố giúp tăng giá trị, tạo sự khác biệt cho sản phẩm lưu niệm của địa phương...
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk chia sẻ, tỉnh xác định lĩnh vực quà lưu niệm là những “đại sứ du lịch” âm thầm để giới thiệu, níu giữ và mời gọi du khách đến với những vùng đất như Tây Nguyên. Vì thế, phát triển các sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch độc đáo, mang bản sắc địa phương là rất cần thiết. Bởi một sản phẩm du lịch tinh tế không chỉ góp phần tăng doanh thu cho địa phương, mà còn có thể truyền cảm hứng cho khách du lịch, lưu lại những trải nghiệm, gợi nhớ điểm đến.
Xây dựng câu chuyện văn hóa, di sản
Khi đi du lịch, hầu hết du khách đều mang về những vật lưu niệm mang đặc trưng văn hóa, con người của nơi mình đã đặt chân đến. Quà lưu niệm và quà tặng là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch. Tiến sỹ Vũ Hương Lan, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Sản phẩm lưu niệm kích thích chi tiêu của du khách và góp phần không nhỏ vào tổng doanh thu du lịch. Lấy ví dụ tại Thái Lan, doanh thu từ mua sắm của khách du lịch chiếm gần 50% tổng thu của ngành du lịch, cho thấy đây là nguồn thu rất lớn nếu chúng ta biết tận dụng. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, quà lưu niệm còn góp phần lưu giữ những nét tinh hoa, giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh của địa phương. Khi du khách mua những món đồ lưu niệm để tặng bạn bè, người thân vô tình họ trở thành các "đại sứ quảng bá" cho điểm đến. Những món đồ lưu niệm lúc này trở thành ấn tượng đầu tiên với các khách du lịch tiềm năng của điểm đến”.
Ở góc độ khác, sản phẩm lưu niệm còn được xem là mặt hàng xuất khẩu tại chỗ. Khách quốc tế chọn mua mang về nước sau chuyến du lịch tức là sản phẩm đã ra khỏi biên giới. Xuất khẩu tại chỗ thông qua phát triển sản phẩm lưu niệm có nhiều ưu thế nổi trội như không phải qua nhiều khâu của quy trình xuất nhập khẩu, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ Viettravel) nêu quan điểm: Việc phát triển thị trường quà lưu niệm mang lại giá trị kép trong việc bảo tồn và đưa điểm đến địa phương gần hơn thị trường trong nước và thế giới. Nhiều địa phương có các làng nghề và phát triển các sản phẩm OCOP, nhưng thực tế các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của địa phương vẫn khá đơn điệu, ít sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng, bản sắc.
Nhiều năm qua, các công ty du lịch không có nhiều lựa chọn khi tìm mua quà tặng cho khách nước ngoài vì họ cần sản phẩm gọn nhẹ, dễ vận chuyển. TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia) đánh giá: “Quà tặng lưu niện tại các địa phương đều nghèo nàn về hình thức và chưa thể hiện được nét văn hóa cũng như những yếu tố đặc trưng của điểm đến; các sản phẩm không có nguồn gốc tại địa phương, thậm chí không phải của Việt Nam bày bán nhiều tại các điểm du lịch, ngoài ra chất lượng cũng còn nhiều hạn chế”.
Mua sắm chiếm một khoảng lớn trong chi tiêu của du khách, vấn đề là cần phải nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của từng dòng du khách khác nhau, từng thị trường khách khác nhau hướng tới những dòng sản phẩm quà tặng quà lưu niệm khác nhau, thậm chí là cùng một dạng quà tặng, nhưng lại mang những hình thức, mẫu mã khác nhau để phù hợp cho từng dòng khách chuyên biệt.
Sản phẩm quà tặng mang tính đặc trưng, đặc sản của làng nghề, địa phương, nhưng cần nâng cấp lên mức tinh xảo và sự đa dạng kết hợp, tránh sự đơn điệu hoặc quá thô sơ, thô mộc. Trong mỗi chuyến du lịch, mua sắm quà tặng vừa là nhu cầu, vừa là thú vui, niềm đam mê của không ít du khách.