Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, đến nay, thành phố Phú Quốc có 326 dự án đầu tư, với tổng diện tích 10.945 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 354.700 tỷ đồng; trong đó có những tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, Sungroup, BIMgroup, CEOgroup… đầu tư vào Phú Quốc. Thúc đẩy phát triển Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, thành phố Phú Quốc tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho thành phố Phú Quốc.
Qua đó, thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế, với 3 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.
Thành phố Phú Quốc xác định đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ là khâu đột phá quan trọng trong phát triển đảo ngọc Phú Quốc. Thành phố huy động mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải, nước thải, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại... bảo đảm phát triển đúng hướng, bền vững.
Nhiều công trình trọng điểm được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, trục chính giao thông nam - bắc đảo, đường vòng quanh đảo... tạo kết nối liên thông với các trung tâm đô thị lớn trong nước và một số quốc gia trên thế giới qua đường hàng không và đường biển.
Tiếp đến, hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước được đầu tư như: Dự án điện cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện lưới Quốc gia ra đảo Phú Quốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả; nâng cấp hồ nước Dương Đông và hệ thống cấp nước Phú Quốc, với công suất 21.500 m³/ngày đêm; xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung…
Nhiều dự án du lịch, khu vui chơi giải trí đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như: Khu Vinpearl, Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, Công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam - hàng đầu Châu Á VinWonders… đã tạo thuận lợi, góp phần cho du lịch Phú Quốc phát triển nhanh.
Sau hơn 5 năm, Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II, với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn đảo đã mang đến những công năng đô thị đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Thành phố Phú Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng phát triển đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị của toàn tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân. Sự phát triển của các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đã làm thay đổi đáng kể diện mạo đảo ngọc Phú Quốc.
Lãnh đạo thành phố Phú Quốc cho biết, trong 5 năm qua (2015 - 2020), kinh tế Phú Quốc luôn giữ được mức tăng trưởng cao và ổn định, giá trị sản xuất tăng 84,6% so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng trên 13%/năm. Điển hình như ngành thương mại, dịch vụ tăng gấp 2,37 lần; thu hút lượng khách du lịch bình quân mỗi năm tăng 28%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 141.650 tỷ đồng, vượt trên 57% chỉ tiêu, kế hoạch. Thu ngân sách của thành phố đạt hơn 21.300 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với đầu nhiệm kỳ, chiếm hơn 42% số thu ngân sách toàn tỉnh, thực sự trở thành động lực góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Kiên Giang.
Song song đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội của Phú Quốc tiến bộ trên nhiều mặt, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo trên đảo Phú Quốc giảm mạnh, hiện chỉ còn 0,28%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cải thiện, nâng lên rõ nét.
Tiếp đến, thành phố Phú Quốc thực hiện khá tốt việc bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ cảnh quang, di tích lịch sử - văn hóa trên đảo. Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng thực hiện hiệu quả như: Cuộc vân động “Vì môi trường Phú Quốc xanh, sạch, đẹp và an toàn”, phong trào hành động “Ngày vì môi trường Phú Quốc”...
Bí thư Thành ủy Phú Quốc Tống Phước Trường nhấn mạnh: Giai đoạn 2021 - 2025, Phú Quốc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thành phố phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, xây dựng Phú Quốc phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường. Phú Quốc đầu tư phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thành phố tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Xây dựng Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Để đạt mục tiêu này, Phú Quốc tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, có chiều sâu. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại và các ngành dịch vụ; trong đó du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu. Phú Quốc triển khai thực hiện các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng; dự án khu phi thuế quan, mời gọi đầu tư hạ tầng thương mại.
Thành phố Phú Quốc tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, xanh - sạch. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, mời gọi thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển. Đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền...
Cùng với đó, Phú Quốc huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Cụ thể là phát triển đô thị theo quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên đảo, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hoàn thành đưa vào khai thác công trình đường dây 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc gắn với nâng cấp mạng lưới truyền tải điện trên đảo. Phú Quốc khai thác hiệu quả hệ thống các cảng biển tại đảo, đầu tư hồ chứa nước ngọt đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và hạ tầng cụm công nghiệp Hàm Ninh, nhà máy xử lý rác thải, nước thải...; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.