Quảng bá du lịch được xem là khâu trọng tâm thu hút khách, bởi nó quyết định đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Để tạo được ấn tượng tốt với du khách, đòi hỏi những người làm du lịch phải am hiểu thị trường mục tiêu, cũng như biết cách làm quảng bá sao cho trúng thị hiếu.
Ít tiền và manh mún
Loạt clip ngắn quảng bá du lịch Việt Nam do một công ty lữ hành Hàn Quốc thực hiện gần đây đã gây chú ý cho những người làm du lịch bởi sự tươi trẻ, năng động. Vậy Việt Nam có thể làm những clip quảng bá hình ảnh du lịch này không, để hướng tới từng thị trường mục tiêu. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, thừa nhận: “Kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá vừa ít lại vừa phân tán và cấp chậm. Chính vì vậy, trong những chương trình xúc tiến tại nước ngoài thời gian gần đây, thường là doanh nghiệp phải ứng tiền trước để làm, sau đó quyết toán sau”.
Một hoạt động xúc tiến của doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan. Ảnh: Ninh Giang |
Ông Vũ Thế Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Lữ hành, nay là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ: “Trước đây, đã có lần để kịp thời gian chương trình xúc tiến, chúng tôi phải vay tiền doanh nghiệp để làm và sau đó khốn khổ với vấn đề thanh, quyết toán. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của chúng ta hiện nay nặng về hành chính, khiến nhiều người lẽ ra có thể làm được nhưng vướng cơ chế nên đành bó tay”.
“Đơn cử như vấn đề làm phim quảng bá du lịch, ngành du lịch của ta có tổ chức và thuê làm một số phim để đi quảng bá, nhưng thành công có lẽ chỉ có phim do Đài truyền hình Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện để quảng bá tại thị trường này. Kinh phí để làm bộ phim này khoảng 1 tỷ đồng và Công ty du lịch Kim Liên của ta đã tạm ứng trước. Phải hơn 1 năm rưỡi sau đó, Tổng cục Du lịch mới làm xong thủ tục để trả lại cho doanh nghiệp. Và phim quảng cáo này vẫn được dùng để giới thiệu tại thị trường Trung Quốc”, ông Bình cho biết.
Cách đây vài năm, Tổng cục Du lịch đã lên kế hoạch làm một phim video quảng bá du lịch Việt Nam và mời một số đạo diễn có tiếng của Việt Nam thực hiện. “Nhưng phim làm xong thì không xem nổi và phải hủy đi. Tôi không có ý chê các đạo diễn của ta không có tài, thậm chí kỹ thuật quay của ta khá tốt. Vấn đề ở đây là tư duy làm phim quảng bá du lịch khác hoàn toàn với tư duy làm phim điện ảnh. Đó là chọn cái gì mà phía thị trường khách cần để quảng bá, chứ không phải làm những thứ chúng ta có. Do đó tư duy làm phim du lịch cần nghiên cứu tâm lý của thị trường khách và tốt nhất nên để các chuyên gia làm phim quảng bá của thị trường đó làm. Chúng ta nên thuê chuyên gia của chính thị trường đó làm mới hiệu quả”, ông Bình nhận xét. “Vì vậy, khi xem một clip du lịch do nước ngoài dựng, người xem có cảm giác rất đẹp, rất chuyên nghiệp và... rất đơn giản nhưng đó là cái mà thị trường và khách cần. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Tổng cục Du lịch kiến nghị lên Chính phủ cho phép cơ quan quản lý du lịch được thuê đơn vị nước ngoài làm clip xúc tiến và có kinh phí riêng cũng như cơ chế riêng cho hoạt động này”.
Liên quan đến làm phim quảng bá du lịch, theo các chuyên gia về du lịch, với mỗi thị trường khách cần làm một clip riêng đánh đúng tâm lý, gu thưởng thức của người dân xứ đó. Chẳng hạn clip quảng bá du lịch của công ty Hàn Quốc mới đây với sự sôi động đã hấp dẫn du khách Hàn Quốc, nhưng mang clip đó sang giới thiệu ở châu Âu chưa chắc người ta đã xem. Thị trường khách châu Âu họ thích những nét truyền thống Á Đông.
Để làm phim quảng bá, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, sẽ khó khăn nếu chỉ trông chờ vào ngân sách bởi toàn bộ kinh phí cho xúc tiến du lịch năm 2013 chỉ khoảng 50 tỷ đồng (tương đương 2,5 triệu USD). Số tiền này còn phân ra nhiều cục, vụ của Bộ. Tổng cục Du lịch chỉ còn một phần trong số đó.
Quy vào một mối
Liên quan đến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) cho biết: Hiện Bộ chưa phân bổ kinh phí nhưng số tiền dành cho quảng bá hình ảnh du lịch năm nay sẽ không tăng so với năm trước (khoảng 50 tỷ đồng) nên năm nay dự kiến chỉ quảng bá trên 1 kênh truyền hình nước ngoài. Năm trước, chúng ta có quảng bá trên CNN và BBC. Nếu quảng bá lần đầu tiên, họ giảm giá cho mình 20%. Nhưng lần tiếp theo họ lấy đúng giá là 200.000 USD mà quảng bá chỉ 1 khu vực nhất định trong 3 tháng. Trong khi đó, năm nay CNN chào giá là 1,2 triệu USD cho 3 tháng quảng bá trên hệ thống của họ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Rút kinh nghiệm của những năm trước, mới đây Tổng cục Du lịch đã hoàn thiện nghiên cứu về 8 thị trường trọng điểm về du lịch và sẽ có những bước xúc tiến, quảng bá hình ảnh cho hợp lý với từng thị trường. Để làm phim quảng bá vào từng thị trường mục tiêu, vấn đề xã hội hóa để thu hút các doanh nghiệp du lịch, địa phương tham gia là việc cần thiết”.
“Tôi nghĩ rằng du lịch Việt Nam cần phải có một nhạc trưởng để điều phối, huy động sức mạnh quảng bá”, ông Kai, chuyên gia maketing du lịch người Đức cho biết.
Trên thực tế, tại Việt Nam vẫn còn tình trạng mạnh doanh nghiệp nào, địa phương nào người đó làm. Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế để quy tụ doanh nghiệp lại với nhau. “Đơn cử rõ nhất là các hội chợ du lịch quốc tế. Trong khi các nước trong khu vực, gian hàng họ làm hoành tráng, quy tụ được các doanh nghiệp du lịch cùng xúc tiến thì đối với Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch mạnh thì tự làm gian hàng riêng, chỉ có doanh nghiệp nhỏ mới đứng chân vào gian hàng của Tổng cục nhưng sau đó, từng doanh nghiệp phải tự đi tiếp thị riêng cho doanh nghiệp mình”, anh Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Vietvision Travel cho biết.
Đó cũng là lý do hiện nay Tổng cục Du lịch đề xuất thành lập lại Cục Xúc tiến du lịch nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Với mỗi thị trường khách, ngành du lịch sau khi đã nghiên cứu từng thị trường cần có một chiến lược rõ ràng, nhất quán đáp ứng thị hiếu của thị trường khách mục tiêu. Từ đó sẽ có hoạt động quảng bá du lịch phù hợp và hiệu quả. Không chỉ để họ biết và nghe đến Việt Nam, tò mò và hào hứng đến Việt Nam, rồi sau đó chia sẻ thông tin đến với người thân, bạn bè.
Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam đang dần hình thành những nhóm, câu lạc bộ doanh nghiệp du lịch theo từng chủ đề, đối tượng kinh doanh để liên kết. Vấn đề hiện nay là cần một nhạc trưởng công tâm, đủ sức tập hợp lại để huy động được doanh nghiệp cùng làm và hưởng thành quả mà họ đầu tư. Clip quảng bá của doanh nghiệp Hàn Quốc thực chất cũng là manh nha từ mô hình hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp du lịch trên theo hình thức xã hội hóa. Vấn đề ở đây là Tổng cục Du lịch có phát huy được vai trò là nhạc trưởng của mình hay không.
Xuân Cường