Quảng Ninh quan tâm và dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Với hạ tầng hiện đại, đồng bộ từ đường bộ đến hàng không kết hợp các sản phẩm du lịch đặc sắc, có danh lam, thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng… đã giúp Quảng Ninh đánh dấu trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước, là điểm đến thu hút du khách.
Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, trong đó tổ chức thực hiện một số đề án, trọng tâm là: Đề án Phục hồi ngành Du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng 2030; Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô. Tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị của thiên nhiên, con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các vùng biển đảo của tỉnh, khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động.
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung thu hút nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực; phát triển sản phẩm du lịch, khu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực biển, đảo vùng Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái...
Cùng với đó là nghiên cứu cách tiếp cận mới để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long khi mở rộng không gian mới ở vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô và hình thành tuyến, điểm du lịch mới; kết nối giữa Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái tạo ra sản phẩm du lịch mới... Tỉnh nghiên cứu, hình thành khu ẩm thực, khu dịch vụ về đêm để phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố Hạ Long, Móng Cái. Địa phương thu hút đầu tư sản phẩm du lịch chất lượng cao tại khu vực tiềm năng trên địa bàn thành phố Móng Cái (Trà Cổ, Bình Ngọc, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực), huyện Cô Tô từ nhà đầu tư chiến lược.
Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Móng Cái cho biết, năm 2023 thành phố phấn đấu đón 1,5 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2022. Con số này được đặt ra và khả thi cao khi cuộc sống đã bình thường trở lại, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đưa vào khai thác từ tháng 9/2022. Thành phố đảm bảo các điều kiện lưu trú, hiện có thêm một số cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác.
Mới đây, Móng Cái khánh thành thí điểm hệ thống wifi miễn phí và điểm quét Qrcode thông tin du lịch trên địa bàn thành phố; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, nhân dân truy cập internet tìm hiểu thông tin, hình ảnh, video clip giới thiệu khu, điểm du lịch, danh sách cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của thành phố.
Thị xã Đông Triều là địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh, là miền trầm tích văn hóa, gắn liền với cội nguồn nhà Trần. Đông Triều có chùa Ngọa Vân là nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông dựng am tu hành và hóa Phật cùng nhiều điểm đến nghỉ dưỡng hấp dẫn. Năm 2023, địa phương phấn đấu thu hút 800.000 lượt khách. Để đạt mục tiêu này, thị xã đưa ra giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối vùng, tăng cường quảng bá lợi thế du lịch của địa phương.
Năm 2022, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Quảng Ninh là địa phương tiên phong mở cửa đón khách du lịch, phục hồi nền kinh tế, nhờ đó thu hút khoảng 11,6 triệu lượt khách, đạt 122% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế hơn 300.000 lượt, tăng 508% so với năm 2021; khách nội địa hơn 11,2 triệu lượt, tăng 160,6% so với năm 2021. Tổng doanh thu từ hoạt động ngành Du lịch ước đạt 22.599 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so năm 2021. Quảng Ninh là địa phương đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn tầm cỡ khu vực và quốc gia.