Song, du lịch của vùng đất cửa ngõ Tây Nam bộ đồng thời thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam này vẫn còn rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ để có những bứt phá hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hạ tầng giao thông cần hoàn thiện hơn
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, Nguyễn Anh Dũng, một trong những khó khăn lớn nhất của Long An liên quan đến phát triển du lịch hiện nay chính là kết cấu hạ tầng, giao thông chưa đồng bộ. Nhiều con đường chưa được đầu tư xứng tầm, còn nhỏ, hẹp chưa gắn kết tạo thuận lợi cho du khách khi đến các khu, điểm du lịch, nhất là các điểm du lịch thuộc trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.
Nói về du lịch Long An, gần đây tại một số hội thảo, hội nghị về hợp tác, kết nối phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện một số hãng lữ hành đã nêu ý kiến: Long An có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái khám phá, cảnh quan còn hoang sơ với đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng giao thông cần được cải thiện để kết nối tốt hơn; tăng thêm dịch vụ nhằm thu hút du khách, nhất là lượng du khách trong và ngoài nước chọn đến Thành phố Hồ Chí Minh sau đó di chuyển xuống các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Long An để tiếp tục chuyến du lịch trải nghiệm, khám phá.
Trăn trở về hạ tầng giao thông chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Dương Văn Toản cho rằng: Để phát triển mạnh các hoạt động du lịch, rất cần thực hiện tốt hai hạng mục, hay nói vui là liên quan đến hai chữ “thông” đó là truyền thông và giao thông. Hiện nay, việc truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc, giá trị riêng có của các điểm đến đã và đang được mỗi doanh nghiệp du lịch thực hiện, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng tạo nhiều thuận lợi, hỗ trợ tối đa. Tuy nhiên, giao thông lại đang là khó khăn cần được tháo gỡ, khắc phục kịp thời để du lịch bứt phá. Điển hình như khu du lịch Cánh đồng bất tận do Công ty Cổ phần nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đầu tư, ông Dương Văn Toản nói: “Để đến được Khu du lịch Cánh đồng bất tận, từ thành phố Tân An (Long An) du khách đi theo tuyến tỉnh lộ 817 nhưng đường còn quá hẹp, chỉ đáp ứng xe khách chở 30 người trở xuống. Nếu tuyến tỉnh lộ này sớm được nâng cấp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để lượng du khách đến khu du lịch này tham quan, khám phá hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười nhiều hơn”.
Vừa kết thúc một đêm trải nghiệm tại Khu du lịch Cánh đồng bất tận với những hoạt động như xem đom đóm, ngắm hoa súng nở vào đêm, ngâm chân thảo dược… một số du khách đi theo tour của Công ty du lịch Sóng Việt chia sẻ họ khá hài lòng và thích thú với những trải nghiệm tại điểm đến, song cho rằng đường đi chưa được thuận lợi, tuyến tỉnh lộ đường còn xấu nên ảnh hưởng đến thời gian di chuyển cũng như phần nào ảnh hưởng sức khỏe của du khách, nhất là những du khách lớn tuổi.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn trong phát triển du lịch Long An hiện nay theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, đó là cơ chế để phát triển du lịch đối với các khu di tích lịch sử. Các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư, xã hội hóa phát triển du lịch tại các điểm di tích đòi hỏi ràng buộc rất chặt chẽ, nên việc mời gọi, thu hút đầu tư còn gặp khó khăn, thủ tục kéo dài khiến một số nhà đầu tư ngại ngần. Ngoài ra, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch ở Long An cũng còn thiếu, nhất là lượng lao động có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch tại các điểm đến, các khu du lịch ở xa trung tâm thành phố Tân An.
Gỡ khó bằng nhiều giải pháp
Đánh giá chính xác tiềm năng khác biệt đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, tỉnh Long An đã và đang có những giải pháp để từng bước tháo gỡ, đưa du lịch Long An tiếp tục có những khởi sắc rõ nét hơn trong thời gian tới. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, đối với đầu tư phát triển du lịch, trong thời gian tới, tỉnh tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm để kích cầu xã hội hóa đầu tư du lịch, nhất là về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi hơn cho du khách khi đến du lịch Long An.
Tỉnh cũng tăng cường liên kết phát triển du lịch trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó phân chia sản phẩm du lịch trong vùng tránh sự trùng lặp, gây nhàm chán cho du khách; phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển du lịch đa dạng và phong phú, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch để phát triển các loại hình ngành nghề du lịch có thế mạnh.
Long An cũng cam kết tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia đầu tư vào các khu, điểm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch; mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước bằng các hình thức như: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, xây dựng - chuyển giao - kinh doanh hay xây dựng - chuyển giao. Tỉnh cũng tăng cường tổ chức đón các đoàn đại diện doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông đến khảo sát, trao đổi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu và tham gia vào hoạt động du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm: Mới đây, để tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo điểm nhấn, hình ảnh ấn tượng cho du lịch Long An, tỉnh đã cho ra mắt thử nghiệm Cổng du lịch thông minh, trong đó có giới thiệu rõ các điểm du lịch nổi bật ở địa phương, các dự án du lịch được quy hoạch sắp tới, các loại hình dịch vụ hỗ trợ ngành du lịch để du khách và nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin liên quan.