Ðón bắt nhu cầu này, các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí trên địa bàn Nghệ An đã chuẩn bị các chương trình lễ hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm mới cơ sở lưu trú để phục vụ khách du lịch trong dịp này.
Tự làm mới mình
Thị xã Cửa Lò hiện có gần 300 cơ sở lưu trú với hơn 10.900 phòng. Đến thời điểm hiện nay, các khách sạn, nhà nghỉ đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng. Năm nay, hệ thống hạ tầng lưu trú trên địa bàn được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư, nâng cấp chỉnh trang và tự làm mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần tạo diện dạo mới cho du lịch Cửa Lò. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, xây dựng các homstay, bungalow, cà phê vườn… để gia tăng trải nghiệm lưu trú cho du khách.
Xu hướng du lịch sống trong không gian xanh đang được ưa chuộng. Đây là lối sống an toàn và thân thiện với môi trường. Nắm bắt xu hướng đó, nhiều chủ doanh nghiệp ở thị xã Cửa Lò đã đầu tư hệ thống khách sạn, villa không gian xanh nhằm tạo nên không gian thoải mái, đem đến thẩm mỹ cho tổng thể kiến trúc của khách sạn, thu hút sự quan tâm của khách hàng và tạo những nét riêng biệt, ấn tượng của khách sạn. Chuẩn bị đón khách trong dịp lễ sắp tới, những ngày này, nhân viên Khách sạn Hiếu Ngọc Hà đang dọn dẹp, sắp xếp, bài trí lại buồng phòng gọn gàng sạch sẽ. Những khu vườn, tiểu cảnh của khách sạn được trau chuốt tỉ mỉ. Trước đó, lao động làm việc tại khách sạn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và thái độ phục vụ.
“Chuẩn bị cho năm du lịch 2024, khách sạn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống khách sạn, villa nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách nghỉ dưỡng 4 mùa. Trong 5 ngày nghỉ lễ, công suất phòng của khách sạn đã đạt hơn 90%. Khách sạn cũng đã nhận đơn đặt phòng đến tháng 7, chủ yếu là khách đoàn và nhóm gia đình từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”, anh Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc Khách sạn Hiếu Ngọc Hà cho biết.
Tại thị xã Cửa Lò vào những ngày nghỉ cuối tuần, số lượng khách đến tắm biển, ăn uống đã bắt đầu tăng lên. Dự kiến dịp nghỉ lễ sắp tới, lượng khách sẽ gia tăng lên nhiều lần. Do đó, các nhà hàng đã sẵn sàng các nguồn lực để phục vụ du khách trong dịp này. Anh Lê Huy Hải, chủ nhà hàng Hải Nhàn (thị xã Cửa Lò) cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang trí lại không gian, chọn nhân viên có tay nghề, đầu bếp có kinh nghiệm để phục vụ du khách trong những ngày nghỉ lễ. Nhà hàng đặc biệt chú trọng lựa chọn nguồn gốc, chất lượng thực phẩm tươi - ngon - sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công khai minh bạch về giá dịch vụ, tạo môi trường thân thiện, tin tưởng cho du khách”.
Chuẩn bị cho mùa du lịch 2024, thị xã Cửa Lò đã chủ động tổ chức sớm Khai trương mùa du lịch biển; đồng thời, tăng cường công tác chỉnh trang đô thị, tổng dọn vệ sinh môi trường, chỉ đạo, vận động các nhà hàng, khách sạn nâng cấp sửa chữa cơ sở để phục vụ du khách.
Năm du lịch 2024, Cửa Lò thực sự sẽ là điểm đến hấp dẫn khi Dự án khu vui chơi giải trí Cửa Hội và cáp treo ra đảo Ngư dự kiến hoàn thành và mở cửa đón khách vào đầu tháng 6/2024. Đây được đánh giá là khu vui chơi giải trí có quy mô lớn nhất Bắc Trung Bộ và khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn, tạo động lực cho du lịch nơi đây phát triển. “Mùa du lịch năm nay, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng. Từ việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, chỉnh trang, cải tạo nâng cấp cơ sở lưu trú, xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tăng cường quảng bá, kết nối các đơn vị lữ hành nhằm đón đầu xu hướng tăng trưởng mới, tạo đà phát triển để hướng tới du lịch 4 mùa”, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa, thị xã Cửa Lò cho hay.
Cùng với du lịch biển, dự kiến trong dịp nghỉ lễ, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn) sẽ chào đón hàng nghìn du khách từ khắp mọi miền đất nước. Ban Quản lý Khu di tích đã xây dựng nhiều điểm nhấn bằng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vệ sinh môi trường sạch sẽ; đồng thời, tăng cường thêm đội ngũ thuyết minh, nhân viên phục vụ. Qua đó, tạo nên một diện mạo mới chào đón du khách và người dân mọi miền về thăm quê Bác. Dự kiến năm 2024, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên đón gần 2 triệu lượt khách. Ông Lâm Đình Hùng, Phó Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết: “Ngoài nghe thuyết minh viên trực tiếp, du khách còn có thể trải nghiệm nghe thuyết minh tự động, tự trải nghiệm màn hình chạm, số hóa tài liệu hiện vật để tìm hiểu thêm về Khu di tích cũng như thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiến tới, Khu di tích đang xây dựng chương trình trải nghiệm ban đêm như: tổ chức diễn xướng dân ca ví, giặm, phục dựng lại tích cũ…”.
Bảo đảm chất lượng dịch vụ
Ngoài địa phương có biển, các huyện miền Tây Nghệ An cũng chuẩn bị và sẵn sàng để đón du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Theo thống kê chưa đầy đủ, thời điểm này, hơn 80% số phòng của các khách sạn, nhà lưu trú, villa, homestay trên địa bàn tỉnh đã có khách đặt. Giá dịch vụ các khách sạn, homestay, nhà hàng vẫn thực hiện niêm yết đúng quy định. Nhiều homestay ở bản Khe Rạn, bản Xiềng, bản Nưa (huyện Con Cuông), bản Yên Hòa, bản Quang Phúc (huyện Tương Dương) và các khách sạn, homestay tại huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Anh Sơn… được nhiều du khách lựa chọn cho ngày nghỉ lễ. Các điểm đến như: Khu du lịch sinh thái Phà Lài, Vườn Quốc gia Pù Mát đều đã chuẩn bị thuyền máy, áo phao, phao cứu sinh để đảm bảo an toàn cho du khách khi khám phá sông Giăng, trải nghiệm vẻ đẹp của đại ngàn.
Chị Lô Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông) chia sẻ, hợp tác xã đã chủ động mua sắm mới trang thiết bị, đồ dùng; tu bổ, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo tập huấn cho nhân viên. Cùng với đó, đơn vị tổ chức tập luyện các tiết mục dân ca, dân vũ mới và chuẩn bị các sản phẩm đặc sản OCOP của địa phương để giới thiệu đến du khách.
Theo Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, với thế mạnh du lịch biển, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tâm linh, nhiều điểm đến tại thị xã Cửa Lò, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Kỳ Sơn… luôn thu hút đông đảo du khách vào dịp lễ hay cuối tuần. Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, với mong muốn mang đến cho du khách những cảm nhận tốt đẹp nhất về điểm đến du lịch, Sở đã có công văn chỉ đạo các điểm đến, địa phương trọng điểm về du lịch chỉnh trang đô thị, nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Năm 2024, Nghệ An dự kiến đón 5,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 120.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu 9.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu trên, ngoài phát triển sản phẩm du lịch mới, tỉnh còn phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm đẩy mạnh hiệu quả việc khai thác các tour du lịch liên kết của các tỉnh và kết nối thành một hành trình với nhiều trải nghiệm thú vị, góp phần định vị thương hiệu du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.