Việt Nam được đánh giá có nhiều danh lam thắng cảnh rất thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch, nhưng để tạo thành những điểm đến thì việc quy hoạch và phát triển hạ tầng có vai trò quan trọng, cần sự tham gia của cộng đồng.Hoàn thiện quy hoạchTrong 7 vùng phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch đã hoàn thành 5 quy hoạch cấp vùng (vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long) và 2 khu du lịch quốc gia đầu tiên (Mộc Châu - Sơn La và Núi Bà Đen - Tây Ninh).
“Quy hoạch du lịch từng vùng đã dần hoàn thiện với sự tham gia của các tỉnh thành, trong đó định rõ tuyến điểm, sản phẩm đặc thù để tạo điều kiện cho các địa phương liên kết phát triển. Tuy nhiên, có thực hiện theo quy hoạch vùng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào địa phương”, ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết.
“Chúng tôi khi đầu tư vào những vùng du lịch tiềm năng đều rất muốn biết quy hoạch phải rõ ràng để yên tâm đầu tư lâu dài, đồng thời đi kèm là những chính sách ưu đãi về thời gian thuê đất, thuế... nhất là những vùng miền núi với suất đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lâu”, đại diện một doanh nghiệp nhấn mạnh.
Hạ tầng sơ sài cản trở đón khách du lịch bằng tàu biển tại Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Quang Thắng |
“Từ nay đến cuối năm, Tổng cục Du lịch tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch vùng và tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo dựng sản phẩm du lịch, hình thành động lực, thương hiệu để du lịch Việt Nam phát triển. Nhà nước chỉ đầu tư hệ thống hạ tầng trục như là vốn mồi để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp và cộng đồng tạo dựng sản phẩm du lịch”, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ.
Thu hút sự tham gia của doanh nghiệpÔng Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thừa nhận: “Tạo dựng sản phẩm du lịch phải từ các doanh nghiệp bởi họ là người tiếp xúc với khách hàng và hiểu rõ hơn ai hết khách hàng muốn gì khi đến du lịch Việt Nam. Các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và địa phương tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp có định hướng đầu tư dài hạn, sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Đây là sự thành công của Đà Nẵng, Ninh Bình, Khánh Hòa và gần đây là Phú Quốc (Kiên Giang)”.
Trong vài năm trở lại đây, các điểm du lịch thu hút khách của Việt Nam luôn gắn với sự đầu tư của doanh nghiệp như danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)… Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An cho biết: Một trong những thành công của Ninh Bình là đã xã hội hóa các hoạt động đầu tư tôn tạo bảo tồn di sản từ năm 2000. Các doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào việc bảo vệ tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản như là nạo vét khơi thông dòng chảy, xây dựng hệ thống hạ tầng, điểm đón trả khách... và cùng tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhờ đó, du khách đến với danh thắng Tràng An ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tổng kết 10 năm qua cho thấy, muốn phát triển du lịch bền vững thì chất lượng và hiệu quả mới là mục tiêu cuối cùng. Doanh nghiệp đóng vai trò là động lực và hình thành chuỗi liên kết giữa địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp và địa phương với doanh nghiệp để không bị trùng lặp sản phẩm. Tuy nhiên, bất kỳ sự tham gia của doanh nghiệp nào đều phải dựa trên cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch và không làm mất đi cơ hội của cộng đồng dân cư. |
Bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Bình khẳng định, vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển của du lịch Ninh Bình là rất lớn, trong đó có việc cùng với chính quyền địa phương, các cấp ngành hữu quan làm hồ sơ di sản trình UNESCO. Bên cạnh đó là vai trò cùng đầu tư hạ tầng, tạo dựng sản phẩm du lịch với sự tham gia của cộng đồng nhờ đó cùng khai thác giá trị di sản đảm bảo quyền lợi giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương…
Trong khi đó, Hà Nội được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chỉ là điểm trung chuyển khách. Để trở thành điểm đến thu hút khách đòi hỏi một sự thay đổi lớn về quy hoạch và cơ chế thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hanoi Redtours cho biết: "Thành phố nên định vị cụ thể chính sách ưu tiên, có tiêu chuẩn rõ ràng và tập trung đầu tư vào một số điểm du lịch làng nghề, sinh thái, văn hóa để hình thành các sản phẩm đặc thù của Hà Nội. Muốn thu hút doanh nghiệp tham gia, Hà Nội cần ban hành cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính để thu hút nguồn vốn xã hội hóa các sản phẩm du lịch từ đơn giản đến cao cấp. Trong đó, chú trọng hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí; ưu tiên, tập trung đầu tư các khu du lịch, dự án du lịch lớn tại các khu vực ngoại thành của thành phố hoặc trung tâm mua sắm hấp dẫn khách. Rất nhiều thủ đô phát triển về du lịch trên thế giới đã làm tốt điều này như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)...”.
Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn hẹp từ ngân sách Nhà nước, hoàn thiện quy hoạch và tạo cơ chế thu hút sự tham gia của doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch và sớm triển khai tại các điểm tiềm năng du lịch ở các vùng.
Xuân Minh