Bên cạnh đó, nhiều loại hình dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, nguồn nhân lực ngành du lịch chưa qua đào tạo còn nhiều… Những thách thức, tồn tại này đã được các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh Cà Mau nhận diện và đề ra những giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Chắt chiu cơ hội
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau thẳng thắn nhìn nhận, việc đánh thức mạnh mẽ tiềm năng du lịch của tỉnh mới được thực hiện trong những năm gần đây trên cơ sở sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân để chung tay biến tài nguyên thành lợi thế. Thực tế, du lịch Cà Mau vẫn còn rất non trẻ, thiếu nhiều kinh nghiệm để phát triển du lịch theo chiều sâu.
Cà Mau lại là vùng đất ngập nước, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, một số trục đường kết nối đến các điểm du lịch còn trở ngại. Cũng do địa bàn còn nhiều khó khăn, cách trở, nên dù đã nhiều lần mời gọi đầu tư song Cà Mau vẫn chưa thu hút nhà đầu tư mang tầm chiến lược để có thể tạo ra những khu du lịch mang tính động lực có sức lan tỏa cho toàn vùng. Với những khó khăn này, tỉnh đã tập trung tháo gỡ bằng nhiều cơ chế, chính sách khác nhau và những nỗ lực tự thân nhằm mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch một cách bền vững.
Nhấn mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nỗ lực để các sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng có sức hấp dẫn lâu bền với khách du lịch trong nước và quốc tế, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho rằng, Cà Mau đang “chắt chiu” từng cơ hội để tạo ra bức tranh du lịch phong phú, sinh động, đáp ứng yêu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Quy hoạch tổng thể Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghị quyết của Tỉnh ủy Cà Mau về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được ban hành. Đây chính là điều kiện thuận lợi để du lịch Cà Mau tạo sự bứt phá bởi không có quy hoạch tổng thể thì sẽ không có sự phát triển du lịch một cách khoa học, hài hòa, thân thiện và bền vững. Tỉnh cũng quan tâm đầu tư hạ tầng, tranh thủ nguồn vốn trung ương, các nguồn vốn của địa phương lồng ghép với các chương trình, dự án có liên quan để tạo cơ sở hạ tầng tốt hơn phục vụ việc đi lại của du khách.
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, mới đây tại Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019, cùng với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau đã giới thiệu, mời gọi đầu tư vào một số dự án lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong đó, nổi bật có các dự án như: Dự án Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ (huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời); dự án Khu công viên Văn hóa, du lịch Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển); dự án đầu tư xây dựng điểm du lịch Khu Di tích bác Ba Phi ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời; dự án Khu thể thao dưới nước tại phường 9, thành phố Cà Mau.
Trong các ngành trọng điểm khuyến khích đầu tư của tỉnh có lĩnh vực du lịch (du lịch sinh thái, bảo tồn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ); lĩnh vực thương mại và dịch vụ… với những ưu đãi về tiền thuê đất giá dịch vụ cho thuê đất, ưu đãi về thuế thu nhập dịch vụ, thuế xuất nhập khẩu.
Tỉnh Cà Mau cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và xúc tiến đầu tư vào địa phương. Bên cạnh đó, Cà Mau tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư được thực hiện công khai, minh bạch và kịp thời.
Lồng ghép với ứng phó biến đổi khí hậu
Hiện nay, Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chống chịu những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, thường xuyên chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc xoáy, bão và áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển cũng diễn ra rất phức tạp, khó lường, xảy ra ở mức độ nghiêm trọng và thường xuyên. Nhiều đoạn bờ biển bị sạt lở đã làm thiệt hại đến kết cấu hạ tầng giao thông, đê, kè tại các khu, điểm du lịch đang là điểm đến có sức hút với nhiều du khách như: Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Trước thực trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì và phối hợp tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, kè ngầm tạo bãi chống xói ở bờ biển tại Khu Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau, Khu Du lịch Khai Long với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng. Đồng thời, Cà Mau cũng thực hiện lồng ghép các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào các nội dung quy hoạch qua một số dự án đang được triển khai.
Tại các địa phương có Vườn Quốc gia, có nhiều điểm du lịch thu hút du khách như các huyện Ngọc Hiển, huyện U Minh, Trần Văn Thời, thành phố Cà Mau…, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bằng các hoạt động cụ thể như: Hướng dẫn, hỗ trợ thu gom, phân loại rác thải nguy hại; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu gom, xử lý rác thải của các đơn vị kinh doanh du lịch. Các đơn vị chức năng của tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm nguyên tắc bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác phục vụ du lịch.
Bài cuối: Tạo thêm điểm nhấn cho du lịch Đất Mũi