Luật Du lịch năm 2005 quy định chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng quy định đơn giản điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy việc quy định điều kiện kinh doanh lữ hành đang tồn tại nhiều vấn đề. Với kinh doanh lữ hành quốc tế cần phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, ký quỹ để bảo đảm việc đền bù cho khách du lịch nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật. Nhưng hiện nay doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa không yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh lữ hành, không phải ký quỹ đặt cọc, không quy định phải báo cáo về hoạt động. Do đó, khi xảy ra “sự cố” cũng khó ràng buộc trách nhiệm đơn vị lữ hành nội địa.
Du khách tham quan điểm du lịch cộng đồng tại Đông Triều (Quảng Ninh) |
Sự việc này thấy rõ qua vụ việc gần 90 khách bị “giam xe” tại khách sạn Thái Bình Dương (Cửa Lò, Nghệ An) do không rõ ràng trong hợp đồng giữa đơn vị lữ hành tại tỉnh Thái Bình và khách sạn. Khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nghệ An yêu cầu các bên liên quan đến giải quyết thì đơn vị lữ hành “loanh quanh” không trình diện và không ký quỹ để phạt nếu sai phạm.
“Trong báo cáo thống kê có hơn 10.000 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh du lịch, lữ hành nội địa nhưng thực tế hoạt động như thế nào thì không rõ. Khi xảy ra những vấn đề phát sinh, tranh chấp ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách thì không có căn cứ để ràng buộc”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết.
Đối với hành nghề hướng dẫn du lịch (HDV), Luật Du lịch 2005 quy định “hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành”. Tuy nhiên, trên thực tế, nghề HDV là nghề tự do. Một HDV có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng. Đồng thời, theo Luật Du lịch năm 2005, tiêu chuẩn được cấp thẻ HDV quốc tế phải có bằng đại học trong khi thực tế với ngoại ngữ hiếm, nhiều người không có bằng đại học nhưng có thể giao tiếp được ngoại ngữ hiếm. Điều này đã dẫn đến nhiều người hoạt động HDV chui và để HDV chui nước ngoài thao túng như trong thời gian qua.
Trong khi đó, việc thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú, Luật Du lịch 2005 còn nhiều khoảng “trống”. Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết: “Bên cạnh những loại cơ sở lưu trú du lịch đã được quy định xếp hạng nhưng thực tế đã xuất hiện loại hình khách sạn bệnh viện, tàu hoả, tàu thuỷ lưu trú du lịch. Vì thế, cần bổ sung tên các loại hình cơ sở lưu trú du lịch và bổ sung tiêu chuẩn xếp hạng vào bộ Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch”.
Bên cạnh đó, số lượng lớn cơ sở lưu trú du lịch đưa vào hoạt động mà không thực hiện thủ tục thẩm định, xếp hạng theo quy định đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ và hình ảnh du lịch Việt Nam.
Ký quỹ để ràng buộc trách nhiệmDưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho rằng: “Kinh doanh lữ hành là nghành nghề kinh doanh có điều kiện nên các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đều phải ký quỹ. Nếu đơn vị có cả 3 loại hình kinh doanh thì lấy mức ký quỹ cao nhất. Đồng thời để đảm bảo quyền lợi của du khách thì khách đi du lịch quốc tế bắt buộc phải mua bảo hiểm. Thực tế khi xảy ra sự cố thì bảo hiểm là đơn vị phải xử lý trước tiên”.
Còn ông Lưu Đức Kế, giám đốc Hanoitourist cho rằng: “Để quản lý khách quốc tế vào Việt Nam, nhất là đối tượng miễn visa thì yêu cầu phải có vé vào, vé ra, và bắt buộc khách phải mua bảo hiểm du lịch và mua lưu trú phòng, còn tour có thể mua trước hoặc mua sau thì chúng ta sẽ không gặp phải tình trạng khách vào đi làm chui hay đi làm những việc có tính chất tệ nạn”.
Theo Tổng cục Du lịch, Luật Du lịch (sửa đổi) hướng tới các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa cũng phải ký quỹ 150 triệu đồng, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước để tránh những hậu quả pháp lý do chỉ thực hiện công tác hậu kiểm. Đối với HDV, để đáp ứng hội nhập ASEAN và thực thi Thỏa thuận thừa nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã ký kết, Luật sửa đổi điều chỉnh cách thức để có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ HDV du lịch quốc tế.
Còn đối với lĩnh vực lưu trú, Luật Du lịch sửa đổi hướng tới loại bỏ những cơ sở kinh doanh không lành mạnh, không bỏ lọt đối tượng không được điều chỉnh (nhà nghỉ) nhằm làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch. Do đó, Luật định hướng bổ sung quy định về các loại cơ sở lưu trú du lịch, trình tự, thủ tục thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch chặt chẽ hơn. Đồng thời quy định thời gian thẩm định cơ sở lưu trú để đảm bảo chất lượng dịch vụ..