Nâng cao thu nhập
Xóm Đá Bia nằm ven hồ sông Đà, có khoảng 40 hộ dân (người Mường) sinh sống. Sinh kế chủ yếu của người dân là nông nghiệp.
Tháng 6/2014, Tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP) của Australia tại Việt Nam kết hợp với UBND huyện Đà Bắc triển khai dự án "Du lịch cộng đồng tại Đà Bắc". Xóm Đá Bia là một trong những thôn bản được chọn hỗ trợ để làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, xóm Đá Bia có 5 nhà nghỉ cộng đồng với không gian sinh hoạt đậm văn hóa nhà sàn của đồng bào Mường Đà Bắc. Ngoài nói tiếng dân tộc, tiếng Kinh, phần lớn phụ nữ, thanh niên, trẻ em trong bản nói tiếng Anh và tiếng Pháp rất tốt.
Chủ homestay Ngọc Nhềm tại xóm Đá Bia Bùi Thị Nhềm cho biết, trước đây, Đá Bia là xóm nhỏ, ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Nhận thấy tiềm năng về cảnh quan phù hợp làm du lịch cộng đồng, nhiều hộ dân trong bản đã được chính quyền và các tổ chức hỗ trợ sửa chữa nhà phát triển du lịch.
Khi giao thông thuận tiện hơn, trong xóm bắt đầu hình thành các homestay. Dù được cải tạo xây dựng lại nhưng nhà ở của các hộ dân trong bản vẫn giữ nguyên kiến trúc nhà sàn cùng nét văn hóa riêng biệt, đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, đồng thời kết nối, cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm đến du khách.
Không gian văn hóa, cảnh quan của bản Đá Bia vẫn còn gần như nguyên bản, phù hợp với du khách thích trải nghiệm, tìm hiểu giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường. Xóm Đá Bia mang lại trải nghiệm đáng nhớ với các loại hình du lịch như tour đi bộ trekking xuyên rừng, khám phá cuộc sống bản làng, đi câu, đánh bắt cá, ăn cơm đồ, ngủ nhà sàn...
Xóm có nhiều nhà sàn cổ, là không gian sinh hoạt chung của người Mường. Không gian của du khách được bố trí theo từng gian có rèm ngăn. Đặc biệt, những căn nhà sàn bằng gỗ không cần khóa cửa, mọi người có thể đi lại và thăm nhau dễ dàng, tạo nên sự đặc trưng khá đặc biệt, hấp dẫn du khách.
Buổi sáng, du khách có thể dậy sớm đi dạo, ngắm những lớp mây mờ bao phủ quanh núi, xem người dân đánh bắt cá, tận hưởng không gian trong lành của lòng hồ Hòa Bình, hay ngồi trên những chiếc ghế tre ngay tại nhà sàn, tận hưởng không khí mát mẻ.
Buổi tối, bên ánh lửa bếp Mường, du khách được tham gia chương trình văn nghệ tại các homestay, cùng nhảy sạp, uống rượu với bà con địa phương hiền hậu mến khách.
Du khách cũng có thể đi dạo trên các lối đi trong xóm, tận hưởng không gian tĩnh mịch…, cảm nhận sự thư thái, bình yên và tái tạo năng lượng sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Đến từ TP Hồ Chí Minh, chị Hoàng Thị Thuỳ chia sẻ, chị biết xóm Đá Bia thông qua người bạn ở Hà Nội. Chị và gia đình đã chọn xóm Đá Bia để trải nghiệm cuộc sống, văn hóa người Mường Hòa Bình. Tuy quãng đường xa và di chuyển bằng nhiều loại hình phương tiện nhưng quả thực đây là nơi đáng đến với cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, cuộc sống và nét văn hóa vô cùng độc đáo của người dân bản địa. Chị Thùy cho biết sẽ trở lại xóm Đá Bia cùng gia đình và người bạn thêm nhiều lần nữa.
Nét văn hóa đặc sắc riêng có của xóm làm du khách thích thú là mô hình Quán tự giác ở các điểm cư dân trong bản, bày bán mặt hàng nông sản như chuối, mật ong, măng, trứng gà… Đặc biệt, quán không có người bán, dưới mỗi món hàng đã được niêm yết giá, du khách hoặc người dân chọn món đồ nào, tự giác đặt vào giỏ số tiền tương ứng và mang đồ đi.
Phát triển từ du lịch cộng đồng
Từ một xóm nghèo của xã vùng sâu, vùng xa khó khăn của huyện Đà Bắc, người dân xóm Đá Bia đã vượt khó vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh.
Xóm có khoảng 40 hộ dân, trong đó có 5 hộ làm du lịch cộng đồng được chính quyền tỉnh tạo điều kiện, Tổ chức Action on Poverty (AOP) Australia hỗ trợ về tài chính và tư vấn kỹ thuật để phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Theo thống kê, trong 9 tháng 2022, xóm Đá Bia đón khoảng gần 1.000 lượt khách trong và ngoài nước. Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Đá Bia thu hút gần 100% hộ dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động dịch vụ du lịch...
Theo chủ homestay Quang Thọ Lò Thị Thúy, homestay có một nhà sàn, đón được 12 khách. Vào dịp cuối tuần và ngày nghỉ, xóm Đá Bia luôn trong tình trạng kín khách đặt chỗ. Tất cả hộ kinh doanh homestay đều có sự kết nối, chia sẻ khách với các hộ trong xóm tham gia làm du lịch cộng đồng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách.
Sau dịch COVID-19, cuộc sống trở lại bình thường. Lượng khách du lịch tăng mạnh giúp các hộ tại xóm Đá Bia có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Chị Bùi Thị Mịa, thành viên Đội văn nghệ xóm Đá Bia cho biết, tham gia đội văn nghệ trình diễn phục vụ du khách tại các homestay cũng là cách để chị góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi thông tin, hàng năm, huyện đón gần 100 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tạo việc làm cho hàng nghìn người dân sinh sống ven hồ.
Huyện Đà Bắc xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa địa phương trở thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Nhiều giải pháp cụ thể đã được chính quyền huyện Đà Bắc ban hành để phát triển du lịch cộng đồng tại các xóm Đá Bia (xã Tiền Phong), xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Ké (xã Hiền Lương)… gắn với khai thác tiềm năng thiên nhiên, bản sắc văn hóa, hỗ trợ giúp chuyển đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Huyện chú trọng quảng bá, kết nối thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ du lịch một cách bền vững. Địa phương cũng phối hợp với các sở, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án, tạo sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.