Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao... Đây là nguồn tài nguyên giá trị để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Hiện nay, để thu hút du khách, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung xây dựng phát triển bốn dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Tính riêng quý 1/2024, số lượt khách du lịch đến tỉnh đã đạt trên 1,1 triệu lượt khách.
"Dịp này, tỉnh Thái Nguyên mong muốn tiếp tục học hỏi kinh nghiệm về công tác xúc tiến quảng bá du lịch, mong nhận được hiến kế từ các nhà quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để giúp du lịch Thái Nguyên có bước mới", ông Nguyễn Ngọc Tuân cho biết thêm.
Chia sẻ về điểm đến Thái Nguyên, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Thái Nguyên còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.
"Vì vậy, sắp tới tỉnh Thái Nguyên cần chú trọng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; định hướng quy hoạch phát triển, hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm du lịch có sự tương đồng, trùng lặp giữa các địa phương trong vùng; đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, đồng thời chú trọng tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội tỉnh, nội vùng nhằm tạo nền tảng cơ sở vật chất dịch vụ du lịch của địa phương ngày càng tốt hơn, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác hợp tác, liên kết vùng", ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hà Văn Siêu cũng đề nghị các địa phương trong nội vùng chủ động liên kết, hợp tác xây dựng, giới thiệu các sản phẩm du lịch, các gói liên kết kích cầu du lịch nội vùng với nhau theo hướng ưu đãi, ưu tiên, ủng hộ sử dụng dịch vụ của nhau để cùng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Tỉnh Thái Nguyên ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ. Theo đó, phía Bắc giáp với tỉnh Bắc Kạn; phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang; phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam giáp với thủ đô Hà Nội.
Thái Nguyên có diện tích tự nhiên trên 3.500 km², dân số trên 1,3 triệu người; là một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước với 9 trường đại học, 77 trường cao đẳng, trung học và dạy nghề. Hiện nay, Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, Thái Nguyên là nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.