Thanh Hóa trước ngày hội lớn

Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2015 do tỉnh Thanh Hóa đăng cai, đang đến rất gần. Chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đang gấp rút hoàn thành các công việc cuối cùng đảm bảo sẵn sàng các điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức thành công các sự kiện của Năm du lịch Quốc gia.

Tập trung cao điểm

"Tuần lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2015" sẽ diễn ra tại Thanh Hóa từ ngày 3/4 -10/4, với khoảng 10 sự kiện tiêu biểu. Tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng thông qua các hoạt động đặc sắc của Tuần lễ khai mạc, sẽ tạo được những dấu ấn tốt, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, mang lại niềm tin cho du khách trong nước và quốc tế về một hình ảnh Thanh Hóa địa linh nhân kiệt, giàu tiềm năng du lịch, thân thiện và mến khách.

Lam Kinh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong Năm Du lịch Quốc gia 2015.


Điểm nhấn chính là lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia (DLQG) 2015, diễn ra vào tối 3/4 tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa). Trong khuôn khổ Tuần lễ Khai mạc còn diễn ra nhiều sự kiện đặc sắc như: Lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sĩ; Lễ kỷ niệm 50 Hàm Rồng chiến thắng; công bố tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận; liên hoan câu hò nối những dòng sông các tỉnh Bắc Miền Trung mở rộng; tạo dựng đường hoa Lê Lợi; trưng bày tranh cổ động tấm lớn "Chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và 50 năm Hàm Rồng chiến thắng"…

Tại Quảng trường Lam Sơn, nơi sẽ diễn ra sự kiện quan trọng nhất: Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2015 mang chủ đề "Xứ Thanh - Miền di sản hội tụ và tỏa sáng", các công việc cuối cùng đang được khẩn trương hoàn tất. Từ ý tưởng Thanh Hóa là vùng đất của người Việt cổ, nơi có nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ với cổ vật trống đồng, nơi phát tích của các triều đại Tiền Lê, nhà Hồ, Hậu Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn... một sân khấu ngoài trời hoành tráng nhất từ trước tới nay đã hiện lên rõ nét với việc thiết kế sân khấu như biểu tượng của Thành Nhà Hồ uy nghiêm với 3 cổng thành được lắp đặt 3 màn hình Led, cổng thành chính giữa được đặt một trống đồng Đông Sơn - biểu tượng cho văn hóa người Việt cổ.

Sân khấu chính cũng xuất hiện biểu tượng cầu Hàm Rồng lịch sử, núi Ngọc, núi Rồng - những địa danh lịch sử ở Thanh Hóa - cùng với sự xuất hiện của đàn chim hạc tung bay và những dãy núi trùng điệp hậu sân khấu. Trên sân khấu còn có sự xuất hiện của dàn trống đồng Đông Sơn, dàn cồng chiêng của người Mường Thanh Hóa và nhiều nhạc cụ truyền thống mang đậm dấu ấn của xứ Thanh. Tiền cảnh sân khấu, trên diện tích khoảng 600m2 được thiết kế như một bãi biển với lớp cát trắng trải dài...

Trong Tuần lễ khai mạc, tỉnh Thanh Hóa, nhất là thành phố Thanh Hóa sẽ đón tiếp rất nhiều các đoàn khách quốc tế, Trung ương và các địa phương trong cả nước. Thanh Hóa đã có sự phối hợp cùng các bộ, ban ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các khách sạn, nhà nghỉ; kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, công tác an ninh, các điểm đến tham quan của khách. Ngoài ra, công tác lễ tân, hậu cần, bố trí nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường tại các điểm du lịch phục vụ cho Tuần lễ khai mạc và Năm Du lịch Quốc gia cũng đang được các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị thực hiện, triển khai đúng tiến độ.

Hướng tới một năm Du lịch Quốc gia thành công

"Tuần lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2015 và một số hoạt động khác của Năm Du lịch diễn ra tại thành phố Thanh Hóa là điều kiện vô cùng thuận lợi để thành phố phát triển du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác để phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách...". Ông Đào Trọng Quy, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa


Tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung nhân lực, vật lực để thi công, hoàn thiện các hạng mục công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ và chất lượng phục vụ cho các sự kiện trong Năm Du lịch Quốc gia 2015. Đó là dự án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới, Khu du lịch văn hóa lịch sử Thành Nhà Hồ, dự án bảo tồn tôn tạo cổng Nam và cổng Bắc khu di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ; Dự án bảo tồn và phỏng dựng chính điện Lam Kinh; Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh; Dự án đầu tư xây dựng Đền thờ các bà Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ Hàm Rồng; Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị Khu du lịch Hàm Rồng…

Trong 5 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã đầu tư tu bổ, tôn tạo hơn 200 di tích với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng, trong đó có những di tích trọng điểm như Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Khu du lịch Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Khu du lịch suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), Khu du lịch văn hóa - sinh thái Trường Lệ (thị xã Sầm Sơn)…

Công tác đầu tư tôn tạo di tích đang từng bước giúp Thanh Hóa phát huy các giá trị văn hóa, khai thác phục vụ du lịch. Các khu du lịch trọng điểm này đã thu hút số lượng lớn du khách tới tham quan hàng năm, đặc biệt là khách quốc tế. Với sự kiện đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2015 có thể giúp Thanh Hóa thu hút từ 5 - 5,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước và tổng thu từ du lịch ước đạt 158,6 triệu USD.


Hoa Mai



Cửa Lò xây dựng thương hiệu trong năm du lịch 2015
Cửa Lò xây dựng thương hiệu trong năm du lịch 2015

Đó là khẳng định của lãnh đạo UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An) trong buổi họp báo giới thiệu về Lễ hội du lịch Cửa Lò và các hoạt động phục vụ năm du lịch 2015 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN