Thay đổi cách quảng bá du lịch

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ góp phần quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Tuy nhiên, hoạt động này của Việt Nam vẫn theo lối mòn và chưa tạo điểm nhấn thu hút du khách.


Nặng tính bao cấp

Sau khi có tốc độ tăng trưởng vượt bậc giai đoạn 2009 - 2013 (từ hơn 3,7 triệu khách lên gần 7 triệu lượt khách quốc tế), gần đây, du lịch ViệtNam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy giảm do tác động của các yếu tố khách quan. Tuy nhiên, tại Thái Lan, đất nước thường xuyên chịu tác động biến cố chính trị, nhưng tốc độ tăng trưởng du khách vẫn đều đặn. Điều này cho thấy hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng như cách làm mới sản phẩm du lịch của du lịch Việt Nam còn nhiều tồn tại.

Khách quốc tế đến Việt Nam thời gian gần đây tăng trưởng chậm lại.

Hiện nay, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam bị “chia năm xẻ bảy” do nhiều đơn vị thực hiện. Đơn cử như quảng bá hình ảnh du lịch do Cục Hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) triển khai như quảng cáo du lịch trên kênh BBC, xe buýt ở Anh... Sau vài năm triển khai, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của hoạt động này; Bản thân Cục Hợp tác quốc tế cũng chưa có đánh giá cụ thể.

Trong khi đó, việc xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ chuyên ngành du lịch lại do Tổng cục Du lịch triển khai và khá tản mạn. Theo ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, gian hàng du lịch Việt Nam thường khiêm tốn so với các gian hàng các nước xung quanh. Thậm chí quy mô gian hàng Việt Nam còn bé hơn gian hàng của một tỉnh du lịch của Thái Lan, chính vì vậy, không tạo hình ảnh ấn tượng với các đơn vị du lịch đối tác, cũng như du khách tới hội chợ.

Nguyên nhân của tình trạng này được ông Vũ Thế Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lý giải, là do tính bao cấp còn nặng nề trong hoạt động xúc tiến trong môi trường du lịch đa dạng, đầy biến động hiện nay. “Hoạt động xúc tiến trải đều quanh năm ở từng thị trường, tuy nhiên lại phân bổ theo ngân sách đến cuối năm mới được cấp. Do vậy, các hội chợ đầu năm, đơn vị giao phụ trách tổ chức phải vay tiền doanh nghiệp để tổ chức. Đó là lý do mà gian hàng du lịch Việt Nam thường “khiêm tốn”, các hoạt động phụ trợ bên trong nghèo nàn”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

“Muốn tiếp cận và phản ứng nhanh phải có văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm. Theo quy luật, đối với thị trường nào có trên 100.000 lượt khách năm là đã thành lập văn phòng đại diện. Tuy nhiên, ngành du lịch đã kiến nghị vấn đề này hơn 15 năm nay, nhưng không được giải quyết. Đến nay, Việt Nam mới có duy nhất 1 văn phòng đại diện của Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, với sự hỗ trợ từ chính phía bạn. Trong khi đó, Thái Lan hiện có 27 văn phòng đại diện ở nước ngoài, Singapore 20 văn phòng, Philippines 22 văn phòng, Malaysia 36 văn phòng... Ngay tại Việt Nam, gần chục nước cũng đã đặt văn phòng đại diện và nhìn vào hoạt động của họ tại Việt Nam, chúng ta phần nào lý giải được tại sao nhiều người Việt Nam thích đi du lịch nước ngoài. Đó là bài học nhãn tiền mà chúng ta có thể học hỏi để áp dụng ở các thị trường khách của Việt Nam”, ông Bình cho biết.
Đổi mới cách làm

Các chuyên gia du lịch đều cho rằng, trong bối cảnh “tiền ít” thì phải biết cách làm và huy động sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. “Một trong những định hướng mà Tổng cục Du lịch tập trung đầu tư là quảng bá hình ảnh du lịch qua mạng xã hội và di động. Mới đây Tổng cục Du lịch đã ký kết với Mobifone thông qua cổng Halo Vietnam. Đồng thời triển khai kế hoạch quảng bá qua mạng xã hội facebook”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Kinh nghiệm sử dụng diễn đàn mạng xã hội thấy hiệu quả rõ nét qua cách làm của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khi mời những người nổi tiếng trên các diễn đàn trải nghiệm dịch vụ tại địa phương. “Họ được tự do trải nghiệm, viết theo cảm nhận của cá nhân và tư vấn dịch vụ, điểm đến trên diễn đàn du lịch. Thông tin này sẽ lan truyền trên cộng đồng mạng xã hội và rất thiết thực với những đối tượng du lịch tự do”, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Một kênh quảng bá rất hiệu quả nữa là qua điện ảnh. “Nếu nhìn vào cách làm của Hàn Quốc và thậm chí là Campuchia có thể thấy, các điểm từng đóng cảnh phim nổi tiếng đều được tận dụng khai thác làm quảng bá, truyền thông và thu hút khá đông du khách tò mò”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết. Thực tế một số bộ phim của đạo diễn người Pháp như “Người tình” thu hút khách đến cảnh quay sông nước đồng bằng sông Cửu Long; hoặc như phim “Đông Dương” với những cảnh quay tại Hạ Long. Hoặc thông tin bối cảnh phim “King Kong” sẽ được quay tại Quảng Bình cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận...

Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trên 80% du khách lựa chọn điểm đến Việt Nam do bạn bè giới thiệu. Do đó, quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam vẫn phải làm tốt dịch vụ điểm đến, hạn chế tình trạng chèo kéo khách, mất an toàn và tạo sự thân thiện với du khách. “Điển hình của cách làm du lịch bền vững hiện nay của Việt Nam là điểm đến Đà Nẵng - Hội An. Đây là cách làm hiệu quả cần được nhân rộng tại các điểm đến khác của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

XC
Du lịch Tam Đảo lại vào mùa “ngủ đông”
Du lịch Tam Đảo lại vào mùa “ngủ đông”

Vào các ngày nghỉ cuối tuần gần đây, lượng khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng Khu du lịch Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm nhiều lần so với những tháng đầu năm. Do mưa nhiều, kéo dài, kết hợp với nhiệt độ thay đổi, đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh du lịch của Tam Đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN