Những ngày nghỉ cuối tuần vừa qua chúng tôi rủ nhau đi thăm Plios. Từ Moskva, chúng tôi đi theo tour của một công ty du lịch Nga qua các thành phố trong Vành đài vàng nước Nga như Pereslavl-Zalessky, Rostov Veliki, ngủ đêm tại Kostroma và đến sáng hôm sau mới lên đường đến Plios.
Đây là tour trọn gói, đi bằng ô tô du lịch khá tiện nghi, dọc đường có hướng dẫn viên chuyên nghiệp kể rất hay về những nơi xe đi qua. Đến các danh lam thắng cảnh lại có hướng dẫn viên mua vé chờ sẵn để dẫn đoàn vào bảo tàng, nhà thờ, tu viện. Ngoài ra chúng tôi được thưởng thức các ăn Nga tại các nhà hàng, cũng khá thú vị để biết thêm về ẩm thực địa phương. Buổi tối cả đoàn nghỉ tại khách sạn ấm cúng và sạch sẽ, có đủ các tiện nghi cần thiết. Bây giờ ở Nga đang là những ngày thu rực rỡ, mùa đẹp nhất trong năm.
Dọc đường đi, chúng tôi như lọt vào giữa khu rừng cổ tích. Hai bên đường những cánh đồng, những khu rừng trải dài, vàng lên óng ả như màu mật ong. Thấp thoáng những ngôi nhà gỗ sơn xanh sơn hồng, với những ô cửa sổ chạm khắc màu trắng, buông rèm đăng ten cho ta cảm giác bình yên kỳ lạ. Những cây táo thấp lè tè sai lúc lỉu, quả hồng quả đỏ rụng đầy trên cỏ, khiến không khí dường như thơm sực lên.
Du khách Việt Nam trên bờ sông Volga, thị trấn Plios. |
Tất cả những cảnh đẹp ấy náo nức lướt qua bên ngoài cửa xe suốt chặng đường gần 400 km khiến chúng tôi quên đi đường dài. Và cuối cùng, Plios hiện ra, đúng như nhà soạn nhạc nổi tiếng của Nga Leonid Desiatnikov từng nói: "Plios chính là nước Nga đang chờ đợi chúng ta ở chốn thiên đường".
Đoạn sông Volga chảy qua Plios chỉ chừng 3 km, từ bờ này sang bờ kia có lẽ chỉ khoảng 500 — 600 m là cùng. Từ trên đồi cao, phong cảnh quen thuộc đã từng quen thuộc qua tranh Levitan trải ra trước mắt chúng tôi đẹp đến ngỡ ngàng. Cô bạn đi cùng thốt lên: "Đẹp đến mức không dám thở mạnh!" Từng đoàn du khách theo hướng dẫn viên dừng lại trên đồi cao mang tên Levitan. Ai nấy mải mê chụp ảnh, thầm hỏi, phải chăng danh họa từng cầm bảng màu đứng đúng nơi này để vẽ bờ sông, tháp chuông nhà thờ trong "Tiếng chuông chiều", "Tu viện yên tĩnh", "Rừng bạch dương", "Sự tĩnh lặng đời đời" và nhất là bức "Mùa thu vàng" nổi tiếng khắp thế giới.
Plios nhỏ bé chỉ có mấy phố chính nên du khách không lo bị lạc đường. Chúng tôi tách khỏi đoàn, đi lang thang dọc bờ sông Volga, ngắm dòng nước xanh ngắt hiền hòa trôi xuôi. Dọc đường rất nhiều cầu tàu và những chiếc thuyền gỗ nhỏ buông neo hoặc lật sấp trên bờ cỏ.
Và cuối cùng, chúng tôi đã tới nơi mơ ước được đặt chân đến: Bảo tàng-nhà lưu niệm Levitan. Ngôi nhà ba tầng xưa kia của thương gia Solodovnikov sau những lần bồi đắp bờ sông chỉ còn 2 tầng, vì tầng một đã chìm vào lòng đất. Chính tại ngôi nhà này, lần đầu tiên, mùa xuân năm 1888, Levitan cùng bạn là Alesei Stepanov và bà Sofia Kuvshinnikova đã dừng chân và du ngoạn bằng tàu thủy để tìm phong cảnh đẹp cho các tác phẩm của mình. Họ còn trở lại Plios hai lần nữa vào năm 1889 và 1890, sống từ mùa xuân cho đến những ngày cuối cùng của mùa thu, khi trời đã trở lạnh. Ngoài "Mùa thu vàng", Levitan đã vẽ ở Plios hơn 200 bức etude khác.
Tranh “Mùa thu vàng” của Levitan. |
Vào thăm Nhà lưu niệm Levitan, chúng tôi được xem các tác phẩm của Levitan và các bạn của ông trưng bày ở đây, trong đó có tranh của bà Sofia Kuvshinnikova. Những ai từng đọc truyện ngắn Chekhov khó có thể quên được "Người đàn bà phù phiếm". Sofia Kuvshinnikova, người thiếu phụ bỏ mặc ông chồng bác sĩ ở Moskva theo Levitan đến thị trấn bên bờ sông Volga này, để làm học trò và bạn đường của danh họa Nga chính là nguyên mẫu cho Chekhov viết nên truyện ngắn ấy. Cũng chính vì truyện ngắn này mà Levitan giận bạn mình mấy năm liền. Người phụ trách bảo tàng kể cho chúng tôi nghe rằng nhờ có Levitan mà Plios được cả thế giới biết đến.
Và theo Chekhov, tranh của Levitan giai đoạn Plios "bắt đầu có nụ cười". Phải chăng đó là nhờ người phụ nữ tuy không xinh đẹp lắm nhưng vô cùng nhân hậu và tận tình với họa sỹ? Phải nói thêm là, ngoài tượng Levitan trên đồi, ở Plios còn có bức tượng "Người thiếu phụ nghỉ mát" mà nguyên mẫu chính là Sofia Kuvshinnikova. Một cô gái trẻ xinh đẹp ăn mặc theo lối thị thành, đội mũ rơm, ngồi trên ghế dài dõi mắt qua khung tranh rỗng ngắm cảnh sông nước Volga, trước mặt nàng là tấm bảng màu của người họa sĩ. Ngoài đời, người bạn đường của Levitan khi ấy đã ngoài bốn mươi, còn họa sĩ mới hai mươi tám tuổi.
Đáng tiếc rằng vì còn ít thời gian nên chúng tôi không kịp đến thăm bức tượng này. Nhưng biết đâu, đó là lý do cho một lần trở lại Plios?
Một người trong nhóm chúng tôi là chị Phạm Thị Thanh Huệ rất xúc động khi kể về chuyến đi Plios. Chị nói: "Sau mỗi chuyến đi như vậy, những người Việt Nam làm việc, học tập ở nước Nga càng hiểu thêm đất nước, con người và văn hóa Nga, từ đó góp phần củng cố thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc".