Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã ra mắt Ban điều hành thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Đại diện Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong đã giới thiệu về biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) nhận diện thương hiệu Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách.
Theo đó, logo có 4 cánh như ý nguyện 4 mùa sung túc, đất lành chim đậu mang đến sự trù phú ấm no, may mắn cho người dân; tượng trưng cho 4 xã thuộc Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Khẩu hiệu “Tình đất, tình người” là sự khái quát cao nhất cho văn hóa, lịch sử và đặc trưng đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây. Đây cũng là thông điệp chào mừng du khách đến với Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách để hiểu, cảm nhận về thiên nhiên, con người và văn hóa ứng xử của “văn minh miệt vườn” vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách là một công trình, dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Làng được được xây dựng nhằm tạo sự liên kết, tương hỗ trong du lịch và nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển nông thôn, tăng giá trị cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp, xây nông thôn mới và sản phẩm OCOP.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề nghị, thời gian tới, các sở, ngành liên quan ưu tiên hỗ trợ huyện Chợ Lách đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án. Trong đó, các bên liên quan tập trung vận động nhân dân triển khai những phần việc về môi trường, cảnh quan phục vụ du lịch; thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất theo hướng gắn với kết cấu hạ tầng, các hạng mục khác để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh, Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách có sự tham gia của người dân 4 xã là Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành và Long Thới, với diện tích gần 1.500ha. Nơi đây có đặc thù là người dân làm nghề sản xuất cây giống hoa kiểng như: Nghề trồng hoa giấy, nghề làm mai, trồng cúc mâm xôi và nghề làm cây giống… Việc ra mắt Bộ nhận diện thương hiệu Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách không chỉ phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo mà còn là công cụ giúp địa phương giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, lịch sử, con người, cảnh quan của Chợ Lách đến bạn bè gần xa. Qua đó, huyện thu hút sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức và du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Cùng với sự kiện này, UBND huyện Chợ Lách phát động Cuộc thi "Cổng đẹp - rào xanh"; phong trào "Nhà nhà dọn dẹp vệ sinh tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp" hưởng ứng sự kiện Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách cuối năm 2024. Đây là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm khuyến khích mỗi người dân, nhất là trong Làng Văn hóa du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn và làm đẹp cảnh quan nơi mình sinh sống…
Dịp này, các đại biểu đã cắt băng khánh thành huyện lộ 35. Việc hoàn thành nâng cấp tuyến huyện lộ 35 giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch và thu hút đầu tư trong thời gian tới.