Trong ngôi nhà trình tường cổ nhất làng hiện là quán cà phê Cực Bắc nằm trong một ngõ nhỏ với cổng gỗ, dọc đường vào xếp đá ngăn nắp, sạch sẽ, chị Dìu Thị Hương, con gái chủ quán cà phê Cực Bắc chia sẻ: “Quán cà phê do ông Ogura Yasushy - một người Nhật từng sinh sống tại Việt Nam và đặc biệt yêu mến Hà Giang hỗ trợ xây dựng từ năm 2014. Ông Ogura Yasushy đến đây nhiều lần, và khảo sát các ngôi nhà trong làng và rất thích ngôi nhà trình tường vì có tuổi đời trên 100 năm, nên đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng tạo cảnh quan như xây nhà vệ sinh, chỉnh trang hàng rào, làm lại ngõ… và giao lại toàn bộ cho gia đình em quản lý”.
“Người bán quán chính là mẹ em, bà Lục Thị Vấn. Từ làm nông nghiệp chuyển sang bán cà phê cho khách, nhất là khách Tây, mẹ em học tiếng Anh giao tiếp và pha cà phê, học cách giới thiệu về ngôi nhà và về văn hóa của người Lô Lô. Nhờ quán cà phê và kinh doanh homestay, nhà em có điều kiện cho em xuống Hà Nội học tại trường Đại học Bách khoa”, Dìu Thị Hương chia sẻ.
Người du lịch đến trải nghiệm và tự review, chia sẻ trên diễn đàn về cảnh quan ngôi nhà cổ, hàng rào đá, cổng gỗ… nên quán cà phê thu hút khá đông khách. Chủ quán tự làm nhiều món đáp ứng nhu cầu của khách muốn thưởng thức đặc sản bản địa như ngô nướng, thịt trâu gác bếp và những chén rượu ngô thơm nồng. Du khách cũng có thể thuê trang phục của người Lô Lô để chụp ảnh lưu niệm. “Thực phẩm do các nhà trong làng cùng cung cấp, nên mọi người trong bản cũng thấy được lợi ích khi cùng tham gia làm du lịch cộng đồng”, chị Sình Thị Khuông, hướng dẫn viên tại điểm du lịch chia sẻ.
Người kinh doanh du lịch homestay tại làng Lô Lô Chải đầu tiên phải kể đến là trưởng thôn Sình Dỉ Gai. Cách đây gần 10 năm, khi đó khách lên Hà Giang ngày một nhiều nhưng chỗ nghỉ rất thiếu. Với phương châm “đảng viên đi trước”, anh Sình Dỉ Gai đã đi đầu trong việc phát triển kinh tế bằng dịch vụ homestay ngay đầu làng.
“Làng có 104 hộ là người Lô Lô và 10 hộ đồng bào Mông. Trước đây, chúng tôi chỉ làm nông nghiệp. Ông khách Nhật Ogura Yasushy tới du lịch và ăn cơm tại nhà tôi, thấy tôi chia sẻ về việc chuẩn bị làm nhà đã động viên tôi đầu tư xây nhà truyền thống để làm dịch vụ homestay và hứa sẽ hỗ trợ. Đấy chính là động lực để tôi đầu tư xây dựng ngôi nhà trình tường truyền thống của người Lô Lô. Sau vài năm, tôi đã có kinh nghiệm phục vụ, thu nhập từ du lịch trung bình khoảng 80 triệu đồng/năm”, anh Gai tâm sự.
Thấy nhà anh Gai làm homestay có thu nhập khá, nhiều hộ khác trong thôn cũng học tập, đến nay cả bản có 11 nhà kinh doanh homestay. Trước thời điểm dịch COVID-19, trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón hơn 1.000 lượt khách lưu trú; nhất là vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như “cháy” phòng. “Với các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh Hà Giang và Hiệp hội Du lịch Việt Nam nên lượng khách đang phục hồi dần. Để phục vụ du lịch, phụ nữ Lô Lô còn tranh thủ những lúc nông nhàn để may quần áo trang phục truyền thống, mỗi bộ có giá tới 15 triệu đồng. Đồng thời, người dân tham gia các hoạt động văn nghệ, giới thiệu các món ăn truyền thống…
Nhiều bạn trẻ tại Lô Lô Chải đã theo học ngành du lịch để phục vụ du khách, phát triển du lịch. Chị Sình Thị Khuông chia sẻ: “Tôi lựa chọn ngành du lịch tại trường Cao đẳng nghệ thuật du lịch Yên Bái. Hiện làm thuyết minh viên tại điểm nhưng khi du lịch hồi phục, tôi sẽ cùng với gia đình đầu tư mở homestay để phục vụ du khách, giới thiệu nét truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.
Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, từ khi Lô Lô Chải được công nhận là Làng Văn hóa du lịch, hạ tầng làng được đầu tư đồng bộ gắn với nông thôn mới, đồng thời đưa vào chương trình Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, người dân trong bản càng ý thức hơn việc phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc như một tài nguyên để khai thác du lịch.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết: Cách đây hơn 10 năm, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, du khách đã tò mò đến Hà Giang trải nghiệm nhưng cả thị trấn Đồng Văn lúc đó chỉ có 1 khách sạn 1 sao, còn lại nghỉ nhờ nhà dân. Đến nay Đồng Văn có trên 100 cơ sở lưu trú. Du lịch đang làm thay đổi Cao nguyên đá Đồng Văn. Đi cùng với phát triển, việc giữ gìn bản sắc văn hóa như làng Lô Lô Chải sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.