Lần đầu tiên, kết quả khảo sát nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới đã được Công ty Công nghệ thanh toán toàn cầu (VISA) phối hợp với Tổng cục Du lịch công bố. Trước đây cũng đã có một số tổ chức đã khảo sát nhưng đối tượng chủ yếu là du khách đã đến Việt Nam, trong khi bản báo cáo của VISA nghiên cứu nhu cầu khách quốc tế sẽ đến Việt Nam.
Quảng bá hình ảnh còn kém
Điều khá bất ngờ là tại bản báo cáo này, khách quốc tế có cái nhìn thiếu khách quan về Việt Nam. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam nói: “Lỗi trước hết thuộc về những người làm du lịch Việt Nam vì chưa làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá. Khi Campuchia có những bất ổn nhất định, du khách nghĩ rằng Việt Nam cũng không an toàn và không lựa chọn chúng ta là điểm du lịch. Thái Lan xảy ra ngập lụt, khách du lịch cũng nghĩ Việt Nam cũng bị ngập lụt, trong khi chúng ta cũng có thể tranh thủ những “thời điểm” nhạy cảm đó để quảng bá thu hút khách đến Việt Nam. Vì thế chúng ta cần phải khắc phục ngay tình hình này, mà trước hết cần chủ động xây dựng hệ thống thông tin nền qua các kênh thông tin”.
Đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển |
Tại buổi tổng kết ngành 2011, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận, việc quảng bá trong nước du lịch làm khá tốt, nhưng quảng bá ra nước ngoài thì quá kém. Một phần do ngân quỹ xúc tiến quảng bá ra nước ngoài quá ít.
Khảo sát cũng chỉ ra con số cụ thể về hình thức tiếp cận thông tin điểm du lịch phổ biến mà các du khách trong tương lai tham khảo, khi lên kế hoạch du lịch, đó là thông tin truyền miệng (53 %) và qua các trang web (53%)… Trong đó có những trang web hoặc diễn đàn du lịch chuyên phổ biến kinh nghiệm đi du lịch như lonelyplanet.com và tripadvisor.com… được nhiều khách quốc tế ghé thăm. Đó là những thông tin bổ ích để định hướng mức độ ưu tiên quảng bá.
Qua khảo sát cho thấy, thế mạnh của du lịch Việt Nam là nền văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và chi phí du lịch vừa phải. Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong danh sách địa điểm du lịch của du khách Xinhgapo, Thái Lan, Ôxtrâylia và Hàn Quốc. “Đây là những thị trường gần và chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể hơn để xúc tiến, quảng bá vào những thị trường này để thu hút khách”, ông Nguyễn Quý Phương cho biết.
Trong các yếu tố thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, yếu tố hàng đầu là ẩm thực đa dạng (51%), sau đó là cảnh quan thiên nhiên đẹp và các nền văn hoá đa dạng, độc đáo (50%). Chính vì thế, họ sẵn sàng chi trả một khoản tiền cao hơn để thưởng thức ẩm thực (64%), tham quan những địa danh nổi tiếng và trải nghiệm văn hóa (63%) và sẵn sàng chi trả khoản tiền hơn dự định để có sự an toàn và không gặp phiền phức. Ngoài ra họ cũng quan tâm tới các hoạt động ngoài trời, hoạt động về đêm, mua sắm và hàng miễn thuế. “Những gợi ý này rất có ích cho doanh nghiệp và các địa phương hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng để tăng khả năng chi tiêu của khách”, ông Phương nhận định, “Do kinh phí xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch từ ngân sách nhà nước còn hạn chế nên rất cần sự hợp sức từ doanh nghiệp, các địa phương để xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam là điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách”.
Xu hướng chọn chi phí giá rẻ
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, thời gian tới do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn tác động đến nhu cầu du lịch, nên du khách sẽ cân nhắc trong chi tiêu. Cơ cấu chi tiêu của khách thay đổi như chọn cơ sở lưu trú thấp hơn, chọn những chương trình khuyến mãi.
Theo kết quả khảo sát của VISA, trong hành trình của những khách sẽ đến Việt Nam hai năm tới, phần lớn muốn đi du lịch tự túc bằng các hãng hàng không thông thường, ở các khu nghỉ dưỡng hay khách sạn 3-4 sao (chiếm 62%)… chứ không phải là những dịch vụ cao cấp. Nhất là xu hướng du lịch tự túc và đi theo nhóm nhỏ gia tăng (42%). Họ cũng thường xuyên tìm hiểu thông tin điểm đến qua kênh bạn bè là những người có kinh nghiệm, tìm hiểu trên các diễn đàn du lịch… để tiết kiệm.
"Khách quốc tế vẫn mong muốn đi du lịch nhưng với chi phí thấp. Do đó, thời gian tới ngành du lịch nghiên cứu có các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích cầu du lịch, nhất là những chương trình này gắn liền với logo-slogan mới- “Vẻ đẹp bất tận”, để thu hút khách", ông Nguyễn Quý Phương nhận xét.
Đáng lưu ý là thời gian chuẩn bị cho một chuyến du lịch của khách quốc tế dài hơn, từ 3 tháng lên 6 tháng. Do đó, các kế hoạch maketing, xúc tiến sản phẩm, các chính sách kích cầu du lịch Việt Nam cũng cần phải được triển khai sớm và được phổ biến thông tin rộng rãi.