Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện không có cơ sở đóng tàu nào đủ điều kiện để đóng những con thuyền này theo quy định. Bên cạnh đó, mẫu mã và kiểu dáng đối với thuyền du lịch trên sông Hương cũng là vấn đề cần có sự bàn thảo sâu từ các cơ quan quản lý kỹ thuật và quản lý văn hóa để có những con thuyền đẹp, tạo hình ảnh riêng có, đặc sắc của du lịch Huế.
Chưa có cơ sở đóng tàu đủ tiêu chuẩn
Theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu”, khi phương tiện thuyền chở khách hết niên hạn hoạt động bắt buộc phải đóng mới để tiếp tục hoạt động.
Trước đây, các thuyền du lịch chở khách trên sông Hương được đóng theo kinh nghiệm của các xưởng đóng tàu, quy định pháp luật ở thời điểm đó cũng không chặt chẽ, cụ thể như hiện nay. Một phương tiện chở khách du lịch muốn đưa vào hoạt động hiện phải đáp ứng ba điều kiện cơ bản gồm giấy phép đăng kiểm về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bằng lái phương tiện đó.
Ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, một phương tiện thủy nội địa chở khách muốn đóng mới phải có bản vẽ thiết kế kỹ thuật do các đơn vị chuyên môn có năng lực thực hiện, dựa trên đặc điểm địa bàn sông nước, số lượng khách, kiểu dáng văn hóa vùng miền. Sau khi Cục Đăng kiểm Việt Nam duyệt thẩm định bản vẽ thiết kế, mới bắt đầu triển khai đóng mới tại các xưởng đóng tàu có đủ điều kiện hoạt động theo quy định, dưới sự giám sát của cơ quan đăng kiểm cho đến khi hạ thủy. Chiếc thuyền mới khi đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận khi đó mới được phép đưa ra hoạt động. Ngoài ra, nếu phương tiện hoạt động chở khách du lịch còn cần thực hiện những quy định riêng của địa phương.
Theo Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 Lê Xuân Sơn, các xưởng đóng tàu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế từ trước đến nay đều là tự phát, có quy mô nhỏ. Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ về năng lực của cơ sở đóng và sửa chữa tàu, bắt đầu áp dụng từ năm 2020 với một hệ thống quy chuẩn. Căn cứ theo quy định hiện nay, bốn cơ sở đóng tàu của tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa được cơ quan chức năng chứng nhận về năng lực đóng tàu, chủ yếu là do chưa có giấy chứng nhận về đất đai và vùng nước hoạt động để neo đậu, chạy thử tàu sau khi đóng. Điều này xuất phát từ việc, tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa có quy hoạch những vị trí để phát triển các xưởng đóng tàu. Từ thực tế trên, những chủ thuyền rồng trên sông Hương chuẩn bị hết niên hạn hoạt động nếu có nhu cầu tiếp tục hoạt động cần liên hệ với các xưởng đóng tàu có năng lực ở các địa phương khác như ở thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, hay tỉnh Nam Định…
Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đưa khách đi ngắm sông Hương và đã đầu tư đóng mới một số thuyền chở khách với kiểu dáng mới, thiết kế nội thất sang trọng như các thuyền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư hạ tầng và Du lịch Đông Á, doanh nghiệp Khắc Hùng… Trong đó, thuyền rồng Long Quang được chế tạo mô phỏng theo mẫu ngự thuyền Tế Thông nổi tiếng thời Nguyễn của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là lớn nhất, với sức chứa tới 88 người.
Cần bản vẽ thiết kế kỹ thuật mẫu thuyền
“Sông Hương, núi Ngự” từ lâu đã trở thành một biểu tượng trong văn hóa của vùng đất Thần Kinh và đi vào thi ca, nhạc họa. Từ trung tâm thành phố Huế ngược lên thượng nguồn đến ngã ba Bằng Lãng (ngã ba Tuần) là nơi giao nhau của sông Tả Trạch và Hữu Trạch, chính là điểm khởi đầu của dòng sông Hương thơ mộng. Sông Hương dài khoảng 30 km (nếu tính từ Bằng Lãng đến cửa biển Thuận An), độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên hầu như trong năm nước sông chảy lững lờ, trừ những tháng mùa mưa lũ.
Theo cảm nhận của nhiều du khách, thuyền rồng ở Huế được thiết kế hình dáng cũng khá đẹp, tuy nhiên cần có nhiều mẫu thuyền mới để tạo sự đa dạng, tôn thêm vẻ đẹp cho dòng sông Hương. Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, không nên tất cả những mẫu thuyền chở khách du lịch mới đều theo thiết kế thuyền đầu rồng, vì như vậy có cảm giác chút gì đó “nặng nề”. Quan trọng là kiểu dáng bên ngoài và nội thất bên trong chiếc thuyền đó truyền tải được nét văn hóa, mỹ thuật Huế thông qua đường nét, màu sắc, chất liệu phù hợp.
Liên quan đến thuyền chở khách du lịch trên sông Hương, năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có ban hành Quyết định 817/QĐ-UBND về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngôi nhà Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế với một kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, về thiết kế kiểu mẫu hình dáng bên ngoài của thuyền du lịch chở khách trên sông Hương, người dân khi có nhu cầu cần liên hệ với văn phòng của Sở để có hướng dẫn trình tự thực hiện nhằm đảm bảo phù hợp với văn hóa Huế, trước khi trình UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép cuối cùng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13, mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương theo Quyết định 817/QĐ-UBND mới chỉ là kiểu dáng, không phải là bản vẽ thiết kế kỹ thuật để đóng mới. “Vấn đề bản vẽ thiết kế kỹ thuật của một phương tiện thủy nội địa hoạt động chở khách rất quan trọng. Để giải quyết vấn đề một loạt các thuyền rồng du lịch sẽ hết niên hạn buộc phải đóng mới thì bản vẽ thiết kế có thể do chủ tàu thuê, hoặc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thuê những đơn vị chuyên nghiệp thiết kế định hình một số mẫu thuyền trên sông Hương, sau đó lấy ý kiến rộng rãi các nhà nghiên cứu văn hóa và cơ quan chuyên môn về kiểm định kỹ thuật, từ đó người dân có thể sử dụng bản vẽ thiết kế kỹ thuật này để xin cấp phê duyệt đóng mới”, ông Lê Xuân Sơn chia sẻ.
Ông Lê Xuân Sơn cho rằng, một mẫu thiết kế thuyền chở khách du lịch trên sông Hương vừa đáp ứng các yêu kỹ thuật, thẩm mỹ, thế hiện được nét văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô Huế đòi hỏi mất nhiều thời gian và chi phí, những hộ cá thể khó có thể thực hiện. Những thuyền chở khách trên sông Hương còn bị khống chế bởi độ cao của các cây cầu bắc qua sông và phạm vi hoạt động vì nếu thuyền lớn không thể xuôi về vùng đầm phá Tam Giang do vướng đập ngăn mặn Thảo Long, đặc biệt độ sâu của lòng sông Hương không lớn để thiết kế những con thuyền to chở nhiều du khách.
Bài cuối: Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch