Xây dựng sản phẩm phù hợp
Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, với tài nguyên du lịch phong phú. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng sản phẩm có chiều sâu, phù hợp với nhu cầu của khách đang được đặt ra đối với ngành Du lịch Hà Nội. Thành phố đang có nhiều cơ hội khi tốc độ phục hồi du lịch đạt được ở mức khá. Bên cạnh yếu tố là trung tâm du lịch lớn, Thủ đô luôn là lựa chọn ưu tiên của khách, nhất là đối với khách nước ngoài. Hơn nữa, theo đánh giá của các chuyên gia, cán cân du lịch đang dịch chuyển về Hà Nội và ngành Du lịch Hà Nội cần nắm lấy cơ hội để phát triển.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng chia sẻ: Trước lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch, Hà Nội muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển, cần thiết phải đầu tư chuyên nghiệp các sản phẩm du lịch để thu hút và phát triển nguồn khách.
Bởi vậy, dù sản phẩm du lịch của Hà Nội tương đối đa dạng nhưng theo các công ty lữ hành, sản phẩm được xây dựng cần được định hình rõ ràng phục vụ cho từng đối tượng khách, với sự đầu tư bài bản, có chiều sâu. Bởi việc tạo ấn tượng, tạo cảm xúc cho khách sau mỗi lần trải nghiệm sản phẩm du lịch là cần thiết. Theo bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lữ hành quốc tế Kim Liên, khi xây dựng sản phẩm du lịch cần có mục tiêu phục vụ thị trường khách nào. Ngay cả sản phẩm du lịch văn hóa là thế mạnh, Hà Nội cũng cần xây dựng một cách cụ thể, đi vào đúng thị hiếu của khách.
Trong đó, sản phẩm du lịch đêm được nhiều người đặt ra vì phù hợp với đại bộ phận khách du lịch, đặc biệt đối với khách nước ngoài. Thực tế, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm chưa bài bản, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát đa phần chưa tạo sức hấp dẫn, sự liên kết giữa các đơn vị tổ chức chương trình với hãng lữ hành chưa cao. Vì vậy, điều cần thiết hiện nay cần có sự đầu tư bài bản, đi từ việc quy hoạch điểm du lịch đêm, trang trí đường phố, nâng cấp chất lượng sản phẩm.
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội - Hanoi Tourism cho rằng, các hoạt động du lịch đêm cần thiết phải tổ chức qua đêm mới thỏa mãn được nhu cầu của khách. Tuy nhiên, đa phần hoạt động du lịch đêm tại Hà Nội chỉ đến 24 giờ, dịp cuối tuần các quán bar, nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm mở cửa đến 2 giờ sáng. Vì vậy, bà Nhữ Thị Ngần cho rằng, Hà Nội cần cởi mở hơn về vấn đề này.
Sản phẩm du lịch mùa Thu Hà Nội đang được nhiều công ty lữ hành quan tâm bởi vẻ đẹp của nó mang lại và một số đơn vị tổ chức Fototour mùa Thu. Mùa hè với đặc trưng sen hồ Tây và trải nghiệm làm trà sen được nhiều khách du lịch thích thú. Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, Hà Nội cần phát triển tuyến xe điện du lịch nội đô để thu hút khách và cho rằng, những nước lân cận Việt Nam phục hồi du lịch nhanh cũng nhờ vào hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh đó, ngành cần mở rộng điểm du lịch ra các huyện ngoại thành để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn.
Phát triển các thị trường khách quốc tế tiềm năng
Năm 2022, khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa du lịch sau đại dịch COVID-19, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 1,5 triệu lượt khách. Tám tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2,79 triệu lượt khách. Tuy có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019, trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19.
Bên cạnh những thị trường khách truyền thống, các chuyên gia du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã đề cập đến thị trường khách tiềm năng hiện nay là khách Ấn Độ, khách Trung Đông. Nhưng đi liền với đó là các dịch vụ du lịch phục vụ đối tượng khách này cần phải quan tâm, nhất là các nhà hàng ăn uống, nhân lực phục vụ khách.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội cho biết, đối với thị trường khách Ấn Độ, ngành Du lịch cần tìm những người có sức ảnh hưởng lớn, có mối liên hệ mật thiết với đất nước Ấn Độ để làm đại sứ du lịch nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến, thu hút khách. Với thị trường Trung Đông, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, hình ảnh Việt Nam đang được lan tỏa đến người dân khu vực này. Nhất là ngày Quốc khánh 2/9, hình ảnh quốc kỳ Việt Nam đã được thắp sáng tại tòa tháp cao nhất thế giới Khalifa ở Dubai. Vì vậy, các hoạt động xúc tiến du lịch, thu hút khách sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn.
Bên cạnh đó, một số thị trường khách trong khu vực ASEAN như: Indonesia, Philipines cũng cần tập trung thu hút, bởi việc đi lại giữa các quốc gia này khá thuận lợi khi đã có đường bay thẳng và chính sách miễn visa giữa các quốc gia trong khu vực. Riêng đối với thị trường khách Hàn Quốc, trước kia luôn đứng ở vị trí cao trong các thị trường khách quốc tế đến Hà Nội nhưng hiện nay, với đường bay thẳng từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng, Nha Trang, thị trường khách này đang dịch chuyển về hai địa phương trên. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, Hà Nội cần quan tâm hơn vấn đề xúc tiến du lịch thị trường này.
Công tác xúc tiến du lịch để thu hút các thị trường khách cũng được đặt ra khi mà thời gian qua, thành phố Hà Nội chưa dành nguồn lực tương xứng cho việc này, quảng bá điểm đến tại thị trường nước ngoài chưa nhiều. Các doanh nghiệp cho rằng, công tác quảng bá cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để vừa thúc đẩy quảng bá điểm đến, quảng bá sản phẩm du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thành phố Hà Nội đang quy hoạch phát triển hai thành phố trực thuộc, là thành phố phía Bắc lấy khu vực Bắc sông Hồng: Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn; thành phố phía Tây gồm: Hòa Lạc - Xuân Mai và 5 trục động lực không gian phát triển. Đối với khu vực thành phố phía Bắc sông Hồng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để phát triển, sẽ mở ra cơ hội lớn cho du lịch Hà Nội. Với các thành phố trực thuộc, Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển khu thương mại, dịch vụ, có thể hoạt động du lịch qua đêm (over night).
5 trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài và trục không gian cụm du lịch tâm linh Mỹ Đức - Hà Nam và quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2 tại Hà Nội sẽ đưa vào quy hoạch chung của Thủ đô. Với trục không gian sông Hồng, Sở Du lịch đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các địa phương xây dựng thí điểm mô hình du lịch sông Hồng, kết nối điểm du lịch di sản hai bên bờ sông Hồng.
Bà Đặng Hương Giang cho biết: Sở Du lịch đang phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội để triển khai quy hoạch du lịch Thủ đô, trên cơ sở quy hoạch cũ, sẽ bổ sung các vấn đề mới để phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp. Thành phố Hà Nội rất quan tâm đến phát triển du lịch, lấy lõi nội đô là du lịch văn hóa lịch sử. Những vùng động lực mới sẽ phát triển các loại hình du lịch phù hợp để thu hút ngày càng nhiều hơn khách đến với Thủ đô.