Hoạt động của tuyến phố đã thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội của thị xã và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài.
Cụ thể, trung bình mỗi tối thứ Bảy, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút khoảng trên 1 vạn lượt khách. Có những buổi tối, lượng khách tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt do hiệu ứng của các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, khi đưa vào hoạt động, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã tạo chuyển biến rõ rệt về cảnh quan, môi trường. Di tích lịch sử Thành cổ, các công trình văn hóa được quan tâm chỉnh trang; cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Hoạt động du lịch sôi động hơn. Tuyến phố đi bộ đã tạo ra một sản phẩm du lịch mới đặc sắc cho thị xã Sơn Tây. Đặc biệt, việc kết nối không gian đi bộ mở rộng với di tích Thành cổ Sơn Tây và các tuyến phố xung quanh đã tạo thành một chuỗi kết nối giữa không gian văn hóa cộng đồng với các tuyến phố thương mại như: Quang Trung, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi..., góp phần đẩy mạnh kinh doanh các tuyến phố xung quanh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân thị xã và khách du lịch đến Sơn Tây.
Từ khi triển khai tuyến phố đi bộ với các hoạt động phong phú về đêm, lượng du khách đến nghỉ cuối tuần nghỉ lại tại các điểm du lịch, nghỉ dưỡng xung quanh thị xã như: Glory resort, Thảo Viên resort, Làng Mít; các khách sạn như: Lâm Ký, Đông Thành…, lượng khách lưu trú tăng 20 - 30%. Lượng khách đặt phòng cuối tuần tại khu du lịch Glory resort, Làng Mít đã kín chỗ đến tháng 11/2022.
Thị xã đã lựa chọn, sắp xếp 147 cơ sở, hộ kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có sản phẩm chất lượng cao tham gia kinh doanh phục vụ nhân dân và du khách. Đến nay, khoảng hơn 80 hộ gia đình thuộc các phường nội thị: Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi thực hiện sửa chữa, trang trí lại nhà cửa, mở cửa hàng mới hoặc dần chuyển đổi mặt hàng kinh doanh cho phù hợp, chủ yếu là các mặt hàng kinh doanh phục vụ du lịch, đồ lưu niệm, giải khát, ăn nhanh… Các cửa hàng dịch vụ thuộc những tuyến phố phụ cận xung quanh khu vực tuyến phố đi bộ đã đẩy mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh phục vụ nhân dân và nhu cầu của du khách. Sau 4 tháng tuyến phố đi bộ đi vào hoạt động, các cơ sở, hộ kinh doanh hiện hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả; doanh thu vào hai ngày cuối tuần đều tăng so với ngày thường.
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đường phố được tổ chức thường xuyên với sự tham gia tích cực của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, Thị Đoàn Sơn Tây và các câu lạc bộ, hội nhóm nghệ thuật. Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã diễn ra trên 200 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh. Các hoạt động được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi. Một số hoạt động thu hút đông người tham gia như: Chương trình khai mạc Năm du lịch Sơn Tây và khai trương tuyến phố đi bộ, Liveshow của ca sỹ Tuấn Hưng, Đêm trung thu Thành cổ, Hội thi áo dài, nông dân đua tài, các hoạt động chào mừng SEA Games 31, thi tuyên truyền sách… kết hợp với các chương trình biểu diễn khiêu vũ, nhảy hiện đại. Các hoạt động trò chơi dân gian như: Nặn tò he, viết thư pháp, vẽ truyền thần, nhảy sạp, kéo co, bóng bay nghệ thuật... cùng hoạt động trưng bày gian hàng trò chơi, đồ lưu niệm, giới thiệu ẩm thực xứ Đoài, hoạt động triển lãm hoa... thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân thị xã và các huyện lân cận.
Tuy vậy, tuyến phố đi bộ đang trong giai đoạn thí điểm nên vẫn còn một số tồn tại về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường như: Rác trên mặt nước hào và trên một số vị trí chưa được giải quyết triệt để; còn tình trạng phương tiện để trên hè phố, xe máy lưu thông bên trong tuyến phố; tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng đường để kinh doanh...