Ngày 19/4, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức hội thảo "Du lịch quốc gia ứng dụng công nghệ số, khai thác giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam".
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, với điều kiện tự nhiên đa dạng, nhiều địa điểm đẹp, độc đáo, trong đó có nhiều danh lam, thắng cảnh đã được bình chọn trong danh sách những địa điểm đẹp nhất thế giới; nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng... Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, ngành du lịch đang phải đối mặt với thách thức khi việc xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá đạt hiệu quả chưa cao; sản phẩm du lịch Việt Nam chậm đổi mới, đơn điệu, còn trùng lặp giữa các vùng miền, chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch còn hạn chế; đặc biệt khi công nghệ số đang phát triển nhanh buộc ngành du lịch phải thay đổi nếu không sẽ tụt hậu...
Tương tự, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, muốn phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch cần quan tâm sức tải - sức chứa trong du lịch; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; du lịch giảm thải carbon... "Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng vấn đề biến đổi khí hậu, chính sách phát triển du lịch bền vững và kinh tế tuần hoàn. Bởi du lịch bền vững là những hoạt động du lịch có mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng; thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của các thành phần tham gia du lịch… trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên; đồng thời có ý thức đến việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và duy trì tính nguyên vẹn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch; phải gắn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường", PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết.
Dưới góc độ cơ sở đào tạo, ThS Hoàng Ngọc Hiển, Phó Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang cho biết, muốn giải quyết các hạn chế, thách thức khi phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch Việt Nam cần đầu tư ứng dụng công nghệ số. Trong đó, cần quan tâm ứng dụng công nghệ số ngay trong các chương trình đào tạo của các trường, trong mỗi học phần liên quan đến phát triển du lịch bền vững; đồng thời, các trường cần đẩy mạnh hợp tác đào tạo ứng dụng công nghệ số trong du lịch khi liên kết với các trường quốc tế, chuyên gia hàng đầu...
"Thực tế, đã có nhiều cơ sở đào tạo tham gia vào việc ứng dụng công nghệ số trong đào tạo ngành du lịch. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững của khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế. Để giải quyết hạn chế này, việc đầu tiên cần phải làm là cải tiến chương trình đào tạo, có sự đối xứng với chương trình đào tạo của các trường du lịch trên thế giới như Singapore, Hồng Kông... Ngoài ra, cần lựa chọn bồi dưỡng giảng dạy từ các trường thế giới liền chương trình thực tiễn để học viên hình dung được xu thế hiện nay. Từ đó, họ sẽ trở thành đại sứ du lịch Việt Nam, đáp ứng tiêu chí phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam và thế giới", ông Hiển cho biết thêm.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện nay du lịch thông minh bước đầu đã và đang có những dấu hiệu tích cực giúp ngành du lịch hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, ngành du lịch, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, đa dạng, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách. Đối với du khách, du lịch thông minh đã giúp du khách tìm thông tin, lên ý tưởng cho chuyến du lịch cho tới việc đặt và thanh toán chi phí các dịch vụ trên môi trường số. Đối với các cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin, doanh nghiệp du lịch cũng có thể tận dụng ưu thế của công nghệ để thiết kế các sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị trải nghiệm cũng như quảng bá sản phẩm tới du khách. Tuy nhiên, xét tổng thể, việc ứng dụng du lịch thông minh vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi người làm trong lĩnh vực du lịch phải tìm ra phương hướng, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tìm ra hướng đi trúng và đúng.
"Sắp tới, để phát triển du lịch thông minh, chúng ta cần chú trọng đến nguồn lực nội tại, cơ sở hạ tầng chung, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực... đặc biệt là hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch có thể ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch như: Khách sạn robot, công nghệ nhận diện gương mặt - tối đa hóa trải nghiệm của du khách; những hệ thống mở cửa thông minh qua cửa tự động, check-in trong vòng 3 giây hoặc mở cửa phòng, mua hàng và thanh toán bằng… nụ cười. Khi những ứng dụng công nghệ này được ứng dụng hiệu quả sẽ giúp ngành du lịch tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao nâng lực cạnh tranh, công tác quản lý...", ông Lê Anh Tuấn cho biết thêm.