Ông Phạm Văn Cao, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian vận hành thí điểm tạm xác định một năm, từ 9 giờ Hà Nội (10 giờ Bắc Kinh) ngày 15/9/2023 đến 16 giờ Hà Nội (17 giờ Bắc Kinh) ngày 14/9/2024.
Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách hai nước thực hiện đăng ký trước theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người. Trong 3 tháng đầu của thời gian vận hành thí điểm, số lượng đoàn du lịch qua biên giới của mỗi bên không vượt quá 10 đoàn/ngày (mỗi đoàn không quá 20 người).
Du khách hai bên đi vào từ Khu cảnh quan sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất, nhập cảnh. Thực hiện miễn thu vé vào cổng đối với du khách từ phía Việt Nam đi vào phía Trung Quốc, đơn vị tổ chức đoàn phía Việt Nam phải mua bảo hiểm cho du khách trước khi vào Khu cảnh quan phía Trung Quốc, các dịch vụ khác phải tự chi trả theo chi phí thực tế. Du khách từ phía Trung Quốc vào phía Việt Nam phải mua vé, giá vé là 70.000 VND/lần/người (đã bao gồm bảo hiểm, không bao gồm các phí dịch vụ khác).
Việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến 1/11/2022; thể hiện thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.
Khi đi vào vận hành thí điểm sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu du lịch qua biên giới và du lịch xanh, chưa có tiền lệ ở khu vực biên giới, đồng thời giúp tỉnh Cao Bằng phát huy các thế mạnh, tiềm năng du lịch để tạo công ăn việc làm, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy hiểu biết, giao lưu hữu nghị và hợp tác thực chất giữa địa phương biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc.