Xây dựng tour du lịch tàu trên sông Hồng

Thủ đô Hà Nội với 7 - 8 triệu dân, những dịp nghỉ lễ nhiều ngày, người Hà Nội có thể đi du lịch ở các nơi xa như Sa Pa, Mộc Châu, Tam Đảo, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Nhưng với những tour chỉ 1 ngày quanh Hà Nội thì “bói” cũng không có tour nào hấp dẫn. Chính vì vậy, rất cần có một tour du lịch khám phá với những điểm đến ngay sát Thủ đô như Hưng Yên”, đại diện phòng Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ trong chuyến khảo sát đường sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch sông Hồng, do Tổng cục Du lịch phối hợp với tỉnh Hưng Yên tổ chức cuối tháng 8/2015.

Khách du lịch rời tàu sông Hồng thăm di tích đền Dầm.


Với lịch trình hai ngày của tour khảo sát, du khách gồm các nhà quản lý văn hóa - du lịch các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và đại diện các công ty du lịch từ Bắc vào Nam. Suốt hành trình trên tàu sông Hồng, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hồng, hoàn toàn “im hơi, lặng tiếng”. Sau mới hiểu, lý do ẩn mình là ông Thành muốn nghe những nhận xét khách quan, từ đáy lòng của du khách về tour du lịch trên sông Hồng của công ty.

Hành trình của tàu chạy qua một loạt những điểm đến vốn đã rất nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên như đền Dầm, đền Đại Lộ, phố Hiến, chùa Chuông, Văn miếu Xích Đằng, đền Chử Đồng Tử, đầm Dạ Trạch, vườn nhãn lồng Hưng Yên... Tại mỗi nơi, “du khách” đều được xuống tàu để có những trải nghiệm trực tiếp, qua đó sẽ có những đóng góp hữu ích nhất cho việc xây dựng tour du lịch này.

Nếu như với các nhà quản lý văn hóa, lãnh đạo doanh nghiệp du lịch phía Bắc, những cảnh sắc ven sông Hồng và các di tích đền, chùa trong hành trình đã quá quen thuộc, thì với đại diện các công ty du lịch phía Nam, đây lại là một trải nghiệm đầy thú vị và bất ngờ.
Điểm khá “tâm đầu ý hợp” trong chuyến khảo sát là từ các chuyên gia du lịch cho đến các công ty lữ hành – những đơn vị thiết kế các sản phẩm du lịch, đều đề xuất, tỉnh Hưng Yên nên sớm phục dựng lại không gian đô thị cổ Phố Hiến, tạo thành điểm nhấn của du lịch vùng đồng bằng sông Hồng.

Không phải ngẫu nhiên các nhà làm du lịch bị Phố Hiến hấp dẫn, khi mà trong lịch sử, thương phố này đã vô cùng nổi tiếng. Vào thế kỷ 16-17, Phố Hiến đã là trung tâm đô thị cổ, phát triển phồn thịnh. Người Trung Quốc,  Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha... đã tụ họp ở đây, lập thương điếm, phố phường, xưởng sản xuất ở Phố Hiến. Để kiểm soát việc đi lại, buôn bán của thương nhân ngoại quốc, chúa Trịnh đã đặt Ty giám sát tại đây, cũng đồng thời là “vọng gác tiền tiêu” của kinh thành Thăng Long xưa. Phố Hiến thời đó được mệnh danh là "tiểu Tràng An" ở đàng ngoài, vốn chỉ đứng sau kinh kỳ Thăng Long. Và chính sự phồn thịnh về kinh tế đã trở thành cơ sở, nền tảng cho văn hiến của vùng đất này.

Trao đổi với các nhà làm du lịch trên hành trình, TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, ông đã nhiều lần đề xuất Hưng Yên tập trung đầu tư phục dựng không gian Phố Hiến từ cảng sông vào phố thị. Đó là cảnh từ bến tàu Yên Lệnh (sông Hồng) với hình tượng con tàu buôn thế kỷ 16, đến tuyến đường dẫn từ thương cảng vào Phố Hiến phải xanh mướt những rặng nhãn. Và trung tâm Phố Hiến sẽ tái hiện cảnh lính gác Hiến Nam (tên cũ của Phố Hiến), các cửa hàng, nhà hàng phục vụ đặc sản ẩm thực của Hưng Yên như gà Đông Tảo, nhãn lồng... cùng với nhịp sống sôi động nhưng cổ kính như Hội An hiện nay. “Với không gian phố, trang phục, sự nhộn nhịp buôn bán của người Phố Hiến xưa hiện ra ấn tượng, độc đáo như thế; cùng với các di tích nổi tiếng xung quanh như đền Mẫu, Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, chùa Nôm… tuyến du lịch sông Hồng với điểm dừng chính là Phố Hiến; chắc chắn sẽ  trở thành tour hấp dẫn du khách”, TS Dương Văn Sáu hào hứng cho biết.

Còn với ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP Hồ Chí Minh), nếu được đầu tư, chắc chắn Phố Hiến sẽ thành điểm mà nhiều du khách muốn dừng chân. Ông Dũng chia sẻ, dù hiện tại, cơ sở vật chất và các điểm dừng của tour chưa thật sự hấp dẫn, nhưng khi có sự đầu tư thích đáng của các doanh nghiệp làm du lịch, du lịch sông Hồng sẽ là tour hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng, bởi du khách phía Nam rất thích du lịch lịch sử. Ông Dũng cũng cho hay, khi vào Phố Hiến, ông đã kịp thăm một gia đình người Minh Hương (người Hoa) làm nghề bốc thuốc. Nhìn không gian bài trí, phong cách sống của họ, ông Dũng cảm nhận rõ về giá trị của Phố Hiến. “Với nhiều câu chuyện lịch sử gây ấn tượng được tái hiện trong hành trình của tour, như lịch sử chùa Chuông, đền Mẫu, Văn Miếu Xích Đằng (nơi tôn vinh nền học vấn của người dân Phố Hiến và vẫn giữ nguyên nét cổ kính sau gần 400 năm), làng cổ Bát Tràng, đền Chử Đồng Tử, đầm Dạ Trạch… chắc chắn tour du lịch này sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua với khách du lịch phương Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, những tích truyện thú vị, cộng với di tích cổ còn nguyên vẹn có ý nghĩa, giá trị và sức hấp dẫn rất lớn với du khách. Chính vì vậy, trong ý tưởng, ông Dũng đã hình dung tour du lịch trên sông Hồng của công ty Thế Hệ Trẻ là sản phẩm: “Một đền, một chùa, một nhà và một làng cổ” (Đền Dầm- chùa Chuông- nhà cổ Minh Hương- làng Bát Tràng). Tiếp đó, tour sẽ kết nối với các điểm chùa Bút Tháp, Dâu Keo (Bắc Ninh); khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), Phủ Dày, đền Trần (Nam Định)…

“Để tour du lịch sông Hồng trở thành tour hấp dẫn, thì dịch vụ du lịch sông Hồng phải đánh thức được 5 giác quan của du khách. Nghĩa là khi tham gia tour du lịch sông Hồng, bất cứ khi nào, ở đâu, du khách cũng được thấy, nghe, nếm trải... trực tiếp vào các sự kiện. Ví như đến chùa phải nghe tiếng chuông, nhìn thấy cảnh chú tiểu quét sân, đến Văn Miếu Xích Đằng phải thấy hình tượng lều chõng, sĩ tử, sắc phong... vào Phố Hiến phải thấy không gian sầm uất, nhưng cổ kính, đến đền Chử Đồng Tử- Tiên Dung phải thấy được hình tượng, không gian mô phỏng tích truyện…


Bà Kim Khánh, Hiệp hội du lịch Việt Nam

Đồng quan điểm du lịch sông Hồng có thể trở thành một tour hấp dẫn, nhưng với ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch Tập đoàn HG Travel (Hà Nội), điều ông quan tâm lại là việc khai thác hệ thống đê sông Hồng. Theo ông, đê sông Hồng là một dải đất rất đẹp của đồng bằng sông Hồng; trên cơ sở công trình này, tỉnh Hưng Yên có thể tổ chức lễ hội diều ở tầm quốc tế, nhằm thu hút khách du lịch, hỗ trợ quần thể du lịch Phố Hiến phát triển, giống như Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa, Ninh Bình đầu tư khu du lịch Tràng An. Ông Nam cũng cho biết, qua chuyến khảo sát, ông đã nhìn ra một số điểm lý tưởng “đầu tư” lý tưởng trên tuyến đê sông Hồng. Theo đó, tập đoàn có thể đầu tư các khu resort dọc tuyến đê sông Hồng để tạo cảnh quan, điểm nghỉ cuối tuần cho du khách khi tham gia hành trình du lịch sông Hồng.
Tâm đắc với các ý tưởng sáng tạo của đại diện các công ty lữ hành, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ trải nghiệm các tour du lịch trên 5, trong số 7 dòng sông lớn của thế giới. Khi du lịch trên các dòng sông đó, ông Tuấn cho hay, cảm giác như được đắm mình trong những câu chuyện hấp dẫn về lịch sử tiến hóa, văn minh, văn hóa của những dân tộc sống dọc bên sông. Từ cảm xúc đó, ông Tuấn mong muốn các công ty lữ hành Việt Nam nên tiếp cận sản phẩm du lịch sông Hồng ở tầm cao hơn, nhìn xa hơn. Tour du lịch sông Hồng phải là sản phẩm chuyển tải được dòng chảy lịch sử, văn hóa, văn minh của vùng đồng bằng sông Hồng, bởi sông Hồng là dòng sông Mẹ, sông Cái, sông Chính… Nó thể hiện rất rõ tiến trình phát triển của vùng qua những lớp trầm tích, thành quách, đền đài, lăng tẩm, cùng với những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn của lịch sử các di tích. “Hãy để du khách cảm thấy được cuốn vào, trải nghiệm câu chuyện lịch sử dân tộc Việt Nam từ quá khứ, hiện tại đến tương lai trong hành trình du lịch sông Hồng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, từ tiềm năng của du lịch sông Hồng và ý tưởng đề xuất của các công ty du lịch, trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp tích cực với các doanh nghiệp lữ hành tham gia xây dựng sản phẩm du lịch sông Hồng, để du lịch sông Hồng trở thành tour hấp dẫn, kết nối với các điểm, di tích các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định... góp phần thúc đẩy du lịch toàn vùng đồng bằng sông Hồng phát triển. Ông Tuấn cam kết, sẽ làm việc với chính quyền các địa phương tích cực hơn, thúc đẩy các địa phương đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, các cơ sở bến, bãi, các điểm lưu trú... Về trách nhiệm của ngành, ông Tuấn cũng khẳng định, việc quản lý an ninh, trật tự tại các điểm đi, điểm đến, trách nhiệm thuộc về các sở, ngành làm du lịch ở địa phương. Với các doanh nghiệp triển khai tour du lịch sông Hồng, ông Tuấn đề nghị, trước hết phải đảm bảo an toàn cho du khách khi đi trên sông. Cùng với đó là chất lượng dịch vụ trên tàu, dưới bến phải được nâng cao, đồng bộ và hoàn chỉnh.    

Bài, ảnh: X.H
Hà Nội - Điểm du lịch có giá cả phải chăng nhất mùa Hè 2015
Hà Nội - Điểm du lịch có giá cả phải chăng nhất mùa Hè 2015

Tờ ''The Sun Daily'' của Malaysia mới đây đăng tải bài viết về du lịch thành phố Hà Nội như một điểm đến có giá cả rẻ nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN