Xu hướng đảm bảo phát triển bền vững
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã ảnh hưởng mạnh mẽ, mang tới lợi ích cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Đây cũng là xu hướng không thể đảo ngược nếu muốn phát triển bền vững.
Theo nghiên cứu, chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025. Đồng thời cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, đảm bảo phát triển bền vững.
Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thông tin, số người sử dụng internet trên toàn cầu trong năm 2023 đã tăng thêm 100 triệu người. Tổng dân số tiếp cận dịch vụ này đã chạm mốc 5,4 tỷ người, tương đương 67% dân số thế giới. Tại Việt Nam, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, sau nửa đầu năm 2023, người sử dụng internet ở nước ta đạt 78,59%, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023. Số thuê bao băng thông rộng di động đạt 85,7 triệu (tương ứng với tỉ lệ 86,17 thuê bao/100 dân).
Điều này cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng internet và thiết bị thông minh trên thế giới và ở Việt Nam là rất lớn. Đây là tiền đề lớn để phát triển du lịch thông minh và thực hiện chuyển đổi số trong du lịch mạnh mẽ hơn nữa.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng thống kê và thấy rằng khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%. Khách quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%, trong đó 70% khách sử dụng các dịch vụ trực tuyến ở độ tuổi dưới 35. Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam.
Khảo sát còn cho thấy, khách du lịch sử dụng internet, tiện ích thông minh, thiết thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến. Họ so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán đều trực tuyến…Và xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google tổng hợp dữ liệu trên toàn cầu từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 6 năm 2023 cho thấy lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng trưởng ở mức 10%-25%, xếp vị trí thứ 7 thế giới. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm này, các nước còn lại xếp ở vị trí thấp hơn. Các thị trường quốc tế tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam có Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ và Australia là 2 thị trường lớn đầy tiềm năng, tăng trưởng mạnh do vừa qua các hãng hàng không đã phục hồi, mở rộng đường bay kết nối các thành phố của nước ta với 2 nước này...
Do đó, ngành du lịch phải tăng cường hơn nữa công tác tiếp thị số ra nước ngoài, tập trung vào thị trường trọng điểm. Việc này là để thu hút khách đến, giữ chân khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và các sản phẩm du lịch Việt Nam đến được với du khách 5 châu.
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam cũng đề cập đến việc đổi mới, đa dạng các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; triển khai đa dạng, linh hoạt hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, giai đoạn, kết hợp hiệu quả giữa hình thức quảng bá truyền thống và hiện đại...
Chủ động, sáng tạo đầu tư chuyển đổi số
Du lịch là ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số bằng việc đặt vé máy bay và khách sạn thông qua internet. Công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, do đó, hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần tranh thủ các thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chuyển đổi số không chỉ là đầu tư thay đổi về công nghệ, mà còn là thay đổi phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá và quản lý hoạt động du lịch trên nền tảng số… Việc này cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách trong mỗi chuyến đi.
Tại Diễn đàn Du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có nguồn lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác, song cũng phải bắt đầu bằng hành động, mục tiêu cụ thể.
Quan điểm xuyên suốt là tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; lấy khách du lịch làm trung tâm, thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa. Đây vừa là động lực, sức bật cho ngành du lịch, vừa phát huy được thành quả, mở ra một không gian, tiềm năng mới để phát triển xanh, hiệu quả, bền vững.
Thời gian qua, chuyển đổi số trong du lịch ở nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó có việc áp dụng các giải pháp nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ du khách, đầu tư phát triển điểm đến du lịch thông minh. Cơ sở dữ liệu du lịch, kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp được tập trung xây dựng; truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch kỹ thuật số được đẩy mạnh...
Tuy vậy, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu về phát triển du lịch nói chung và chuyển đổi số du lịch nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh. Trên cơ sở đó phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể, khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành, hoàn thiện hệ thống thông tin số, dữ liệu số.
Ngành tiếp tục phát triển các ứng dụng khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch nhằm hỗ trợ du khách, quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, doanh nghiệp thông minh. Mặt khác, các bên liên quan tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch kỹ thuật số; tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về du lịch thông minh, du lịch số. Ngành cần phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực số...
Nhiều chuyên gia du lịch đã chia sẻ: Các doanh nghiệp du lịch cần nắm bắt được xu hướng du lịch từ thực tiễn nghiên cứu, hoạt động để đưa ra giải pháp thích ứng, đề xuất ý tưởng tiên phong, biến "sản phẩm số" thành "sản phẩm du lịch số". Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng cần sự chủ động sáng tạo và tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa cạnh tranh để phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Những người làm du lịch tin tưởng rằng với nỗ lực chủ động, không ngừng đổi mới, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Nhà nước về chính sách, công cuộc chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội để du lịch phát triển chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh cao hơn nữa.