Theo bác sĩ Hà Phương Thuỳ, việc dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá nhiều trong dịp Tết sẽ dẫn đến tủ lạnh quá tải; đồng thời khi dự trữ càng lâu thì hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm càng giảm và có nguy cơ biến chất, gây độc cho thực phẩm. Do đó, chỉ nên mua và sử dụng thực phẩm trong vòng 2 - 3 ngày.
Các loại thực phẩm đã chế biến sẵn như thịt kho trứng, chân giò hầm măng, khổ qua nhồi thịt… là những thực phẩm thường được người dân nấu sẵn để dùng trong những ngày Tết. Theo khuyến cáo, những thực phẩm này chỉ nên nấu vừa đủ dùng cho 2 - 3 ngày và được bảo quản trong tủ lạnh. Nên chia từng phần, mỗi khi cần ăn phần nào thì lấy phần đó ra hâm nóng lại. Tránh hâm đi hâm lại nhiều lần.
Đối với các loại bánh chưng, bánh tét... bảo quản nơi thoáng mát, không nhất thiết phải bỏ tủ lạnh. Khi bánh bị cứng thì có thể chiên lại, hấp và luộc lại. Các loại chả lụa, nem chua, chả giò… nên bỏ phần vỏ ở ngoài để tránh tình trạng đổ mồ hôi, sau đó dự trữ ở ngăn mát tủ lạnh. Nên sử dụng trong vòng 2 ngày kể từ khi mở vỏ.
Khi chế biến thực phẩm cần đảm bảo ăn chín, uống sôi. Theo đó, nhiệt độ của thực phẩm phải từ 70 độ C trở lên để đảm bảo diệt hết vi khuẩn có hại. Sau khi đã chế biến xong nhưng không ăn ngay lập tức và muốn để lại thì thời gian để lại tối đa 5 giờ với điều kiện nhiệt độ từ 60 độ C trở lên hoặc nhiệt lạnh dưới 10 độ C. Nếu sử dụng lại thực phẩm dự trữ thì phải đun lại một lần nữa với nhiệt độ 70 độ C trở lên. Nếu ăn không hết thì phải bỏ đi và tuyệt đối không sử dụng lại.
Đối với các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá nên sơ chế, cắt thành miếng và để vào hộp đậy kín. Nếu chưa sử dụng nên để trong ngăn đông của tủ lạnh. Khi sử dụng thì rã đông và phải sử dụng hết phần vừa rã đông và không để vào lại tủ lạnh phần vừa rã đông.
Với các loại trái cây, rau xanh, củ quả... rửa sạch, để ráo nước và bọc kín lại để vào ngăn mát của tủ lạnh. Riêng đối với củ quả có thể không cần rửa, khi nào sử dụng có thể gọt vỏ hoặc ngâm nước đối với loại củ quả không thể gọt vỏ được.