Cười với “Nụ cười”
Ban tổ chức đã trao giải nhất trị giá 15 triệu đồng cùng cúp Rồng Tre cho họa sĩ Vũ Thanh Hiền, bút danh Zĩn với chùm 3 tác phẩm “Nụ cười phong bì”, “Nụ cười Việt Nam 1” và “Nụ cười Việt Nam 2”. Ngoài ra còn có hai giải nhì trị giá 8 triệu đồng/giải, hai giải ba (5 triệu đồng/giải), năm giải khuyến khích (2 triệu đồng/giải) và một giải do công chúng bình chọn (3 triệu đồng/giải) cho các họa sĩ biếm khác.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Ngô Hà Thái trao giải Nhất cho Họa sĩ Vũ Thanh Hiền (bút danh Zĩn) với ba tác phẩm Nụ cười phong bì, Nụ cười Việt Nam 1 và Nụ cười Việt Nam 2 . Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Đánh giá về tác phẩm đoạt giải nhất, họa sỹ Lý Trực Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhìn nhận: “Tranh những “Nụ cười Việt Nam”, “Nụ cười phong bì” của họa sĩ Zĩn mô tả các dịch vụ “chặt”, “chém” du khách mà cứ “roi rói” nụ cười. Nhưng đằng sau nụ cười, người xem cảm nhận được rất nhiều tầng nghĩa sâu kín và đầy trí tuệ, mang tính xây dựng là điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng ở các tác phẩm đoạt giải năm nay”.
Bên cạnh đó, với những đóng góp xuất sắc của mình cho Giải Biếm họa cũng như cho đời sống biếm họa trong 2 năm qua, họa sĩ Văn Thanh đã được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải đặc biệt. Đây là phần thưởng to lớn của Hội Nhà báo trao cho tác giả có nhiều tranh biếm họa có chất lượng cao dự thi và được đăng báo trong thời gian 2 năm diễn ra cuộc thi với 7 tác phẩm dự giải có chất lượng cao, trong đó có một tác phẩm đoạt giải, đồng thời liên tục có tranh biếm được đăng tải trên báo chí.
Sau hơn 3 tháng phát động, giải thưởng đã thu hút được hơn 420 tranh biếm được gửi về từ mọi miền đất nước. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, với chủ đề mở đúng chất của báo chí và chính cái “chất báo chí” đã làm tranh dự thi trở nên phong phú, đa dạng. Từ chuyện “giá lương tiền”, chuyện “buôn dưa lê thời @”, chuyện “chân dài, chân ngắn” với chuyện giao thông, giáo dục, môi trường và đặc biệt y tế... cùng vô vàn sự cố trong hai năm vừa qua đã được cho lên tranh một cách thông minh, tế nhị nhưng sâu cay.
“Tranh biếm có tác dụng rất mạnh mẽ, có thể nói là sức tác động đến độc giả còn hiệu quả hơn bài viết. Tuy nhiên, thời gian qua, thể loại tranh biếm chưa được chú trọng. Do vậy, tôi đánh giá rất cao giải thưởng biếm họa này. Qua cuộc thi này đã góp phần thúc đẩy cho hoạt động vẽ tranh biếm họa phát triển hơn”, ông Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận.
Thành lập Quỹ phát triển biếm họa
Họa sỹ Lý Trực Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận xét: “Cái ấn tượng nhất của tranh dự thi Giải biếm họa - Cúp Rồng Tre lần thứ IV là chất hài, ngoài cái tranh duy nhất cực buồn với 3 giọt nước mắt dành cho tác phẩm “Duyệt... nghiên cứu khoa học” của họa sĩ NOP, còn lại chủ yếu là rất nhiều tranh có nụ cười đúng cả nghĩa đen”.
Đơn cử như tác phẩm biếm mang tên “GALA Trao giải những nhân vật “tiêu” biểu” của họa sĩ CuaCon với chân dung rất tươi của năm “siêu nhân” mà ai xem cũng thấy buồn cười. Đó là cô bảo mẫu trường mầm non tư thục Phương Anh, “chuyên gia mổ xẻ” Cát Tường, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng, “Bầu” Kiên và siêu lừa ngân hàng Huỳnh Thị Huyền Như. Còn họa sĩ Duy Liên đã để cho 5 “ông”: thuốc chữa bệnh, nước, điện, gas, xăng khoác vai nhau cùng tăng giá với nụ cười đầy thỏa mãn, kèm theo dòng chữ rất “độc”: “Năm anh em trên một chuyến xe TĂNG”.
Có thể nói rằng, qua 3 kỳ tổ chức, giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống biếm họa trong nước; đồng thời thúc đẩy các hoạt động sáng tác cũng như phổ biến biếm họa tới công chúng. Bà Trương Lê Kim Hoa, Tổng Biên tập báo TT&VH, cho biết: “Báo TT&VH cùng với sự bảo trợ của Hội Nhà báo Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam quyết định thành lập Quỹ phát triển biếm họa, một quỹ phi lợi nhuận với các mục tiêu hỗ trợ các hoạt động vì sự phát triển của biếm họa như in, phát hành sách biếm họa; trao giải Tài năng trẻ biếm họa; tổ chức các hoạt động nhằm đưa biếm họa tới gần công chúng như: xây dựng cổng thông tin biếm họa, tổ chức các hoạt động từ thiện giàu ý nghĩa nhân văn”.
Để tạo nguồn kinh phí cho quỹ, báo TT&VH sẽ huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn nội lực quan trọng từ chính các tác phẩm biếm họa. Tại Ngày hội Biếm họa, Ban tổ chức chính thức công bố Quy chế hoạt động của Quỹ phát triển biếm họa với các mục tiêu như trên, đồng thời kêu gọi các họa sĩ biếm họa ủng hộ bằng cách cho phép Ban tổ chức tổ chức bán các tác phẩm dự thi để dùng toàn bộ số tiền thu được đưa vào quỹ.
Bài và ảnh:Anh Đức