Nghệ sỹ trẻ tài năng
Nghệ sỹ Nhân dân Hoài Thu là con út trong một gia đình có 7 anh chị em, sinh ra và lớn lên ở xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Từ khi còn bé, Hoài Thu đã thích hát hò, suốt ngày ngâm nga những làn điệu dân ca cô được nghe qua đài phát thanh. Chị gái thấy em hát hay, nên khi biết tin có Đoàn chèo Thái Bình (nay là Nhà hát Chèo Thái Bình) đã động viên cô đi thi thử. Ngày hôm sau, anh trai chở cô đi thi tuyển và cô đã thi đỗ. 15 tuổi, Hoài Thu khăn gói vào Đoàn chèo Thái Bình, học lớp sơ cấp chèo năm 1999 - 2000.
Hoài Thu có giọng hát hay, năng khiếu biểu diễn tốt, nên khi có Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp, Đoàn Chèo Thái Bình đã đưa Hoài Thu đi tham gia dự thi với vai diễn Thị Mầu trong vở “Quan Âm Thị Kính”. Ở tuổi 17, nghệ sỹ Hoài Thu đã gây ngỡ ngàng cho đồng nghiệp và Ban giám khảo khi thể hiện xuất sắc vai diễn Thị Mầu trên sân khấu chèo. Vở diễn được khán giả yêu mến, được Ban giám khảo trao tặng nhiều giải thưởng: Huy chương Vàng cho vở diễn, giải Diễn viên xuất sắc, giải Diễn viên trẻ nhất hội diễn và Bằng khen Diễn viên trẻ tài năng. Thành tích đó đã khích lệ Hoài Thu tiếp tục nỗ lực hơn với các vai diễn khác và được giao đóng nhiều vai chính trong các vở diễn của Đoàn Chèo Thái Bình.
Năm 2006, Hoài Thu lấy chồng và theo chồng về Hà Nội, công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Thời gian đó, cô tham gia đóng kịch, biểu diễn ca nhạc… và cũng tạo được phong cách diễn cho riêng mình trên sân khấu kịch hiện đại. Trong thời gian công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hoài Thu đã giành được 1 cúp Bạc quốc tế tại “Liên hoan Nghệ thuật hữu nghị mùa Xuân tháng Tư Bình Nhưỡng” năm 2011; giành Huy chương Bạc tại hội diễn sân khấu trong nước. Thời điểm đó, Hoài Thu nghĩ rằng mình đã đoạn tuyệt với hát chèo. Thế nhưng, tròn 10 năm rời xa nghệ thuật chèo, một sự tình cờ đã đưa cô quay lại với sân khấu chèo như một định mệnh, như là duyên nghiệp.
Đó là năm 2013, khi Hoài Thu đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản khi sinh em bé, Hoài Thu được Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi – khi đó là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội mời tham gia diễn vai Trưng Trắc trong vở “Vương nữ Mê Linh”. Ban đầu Thu từ chối, vì nghĩ mình đã bỏ hát chèo 10 năm, nhưng sau khi xem kịch bản thấy hay quá, “máu nghề” lại nổi lên, cô nhận lời tham gia vở diễn. Vậy là, sau 1 tuần tập luyện vai Trưng Trắc, vở diễn được mang đi tham dự Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 tại Hải Phòng và giành ngay Huy chương Vàng.
Sau thành công trong “Vương nữ Mê Linh”, Nghệ sỹ Nhân dân Thúy Mùi mời Hoài Thu về Nhà hát Chèo Hà Nội. Khi đó, Hoài Thu nghĩ, có lẽ do duyên nghiệp với chèo rồi, không bỏ được, nên Thu đã quyết định quay lại với nghệ thuật chèo.
Sau khi về Nhà hát Chèo Hà Nội, Hoài Thu được Nhà hát giao hàng loạt vai chính trong đó có nhiều vai giành được huy chương như: Vai Mỹ Duyên trong vở “Cánh chim trắng trong đêm” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, vai diễn được trao Huy chương Vàng tại Cuộc thi nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016. Vai Kiều Loan trong vở diễn cùng tên “Kiều Loan” cũng mang về cho Hoài Thu Huy chương Vàng...
Cho tới nay, nghệ sỹ Hoài Thu trở thành một trong những cô gái “vàng” của làng nghệ thuật, khi sở hữu 1 cúp Bạc quốc tế, 6 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 3 giải Diễn viên xuất sắc nhất cho các vai diễn của mình. Các vai diễn nổi bật của Hoài Thu ngoài Thị Mầu trong vở “Quan Âm Thị Kính”, Trưng Trắc trong vở “Vương nữ Mê Linh”, còn phải kể đến vai Mỹ Duyên trong vở “Cánh chim trắng trong đêm”, Trương phu nhân trong “Chuyện tình trên bến Nam Xang”, Đặng Thúy Hạnh trong vở “Nàng thứ phi họ Đặng”, Kiều Loan – “Kiều Loan”, Mợ Ba trong “Cánh diều làng Vũ Đại”, Nụ trong “Của thiên trả địa”... , Thanh Loan – “Tình xưa”, bà Dịu – “Biến vĩ của tình yêu”, Trâm – “Cô gái đội mũ nồi xám”, Thanh Nga – “Tiếng chuông”, Thanh Hoa – “Kiếp người cần che chở”...
“Cháy” hết mình với nghệ thuật
Nghệ sỹ Nhân dân Hoài Thu tự nhận, chị “mê” sân khấu đến độ, cứ mỗi lần lên sàn diễn là như bị “lên đồng”, thăng hoa và “cháy” hết mình với nhân vật, với vai diễn. Mỗi khi bước lên sân khấu, chị lại thấy mình tràn đầy năng lượng, cảm giác không bao giờ tắt ngọn lửa đam mê.
Khi được hỏi, chị tâm đắc nhất với vai diễn nào, chị bảo: “Vai nào tôi cũng yêu, vai nào cũng thích dù ngắn hay dài. Làm diễn viên, tôi vừa được sống cuộc đời của mình, lại vừa được sống cuộc đời của các nhân vật. Mỗi nhân vật là một cuộc đời. Những nhân vật đó đã bồi đắp thêm cho tôi rất nhiều cảm xúc cũng như những kinh nghiệm sống khác nhau. Vì vậy, đối với tôi, một vai diễn dù chính hay phụ, dù dài hay ngắn tôi đều vô cùng yêu thích”, Nghệ sỹ Nhân dân Hoài Thu chia sẻ.
Với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho nghệ thuật chèo, Hoài Thu đã đăng ký và tham gia khóa đào tạo về đạo diễn. Sau 4 năm học ra trường, chị bắt tay vào dựng vở “Linh từ Quốc mẫu”. Vở diễn đầu tay do chị làm đạo diễn khi tham dự Liên hoàn Chèo toàn quốc năm 2022 đã giành Huy chương Vàng, đạo diễn Hoài Thu được trao giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan. Ngoài “Linh từ Quốc mẫu”, chị còn gây dấu ấn với các vở diễn “Tình trăng”, “Cung thương một khúc”…
Với nhiều thành tích trên sân khấu, năm 2015, Hoài Thu là nghệ sỹ trẻ nhất được xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú. Mới đây, trong đợt trao tặng danh hiệu năm 2024, Hoài Thu là nghệ sỹ trẻ nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.
Nói về việc được nhận danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ Hoài Thu chia sẻ: “Người nghệ sỹ nói chung không ai xác định làm nghề là để được huy chương hay danh hiệu, mà đến với nghề bởi tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật. Song khi nhận danh hiệu, tôi cũng như các nghệ sỹ khác, cảm thấy rất vui và tự hào. Đặc biệt, niềm vui ấy được nhân lên gắp bội khi thấy mình là Nghệ sỹ Nhân dân trẻ nhất được trao tặng danh hiệu đợt này. Danh hiệu là sự tôn vinh, là niềm khích lệ to lớn trên chặng đường hoạt động nghệ thuật của tôi sau này, nhất là trong vai trò đạo diễn”, Nghệ sỹ Nhân dân Hoài Thu chia sẻ.
Nghệ sỹ Nhân dân Hoài Thu cho biết, hiện chị vừa tham gia đạo diễn, vừa tham gia công tác đào tạo các thế hệ diễn viên kế cận. Chị chia sẻ, vì yêu nghệ thuật chèo, nên chị mong muốn truyền đạt những kinh nghiệm đúc kết được và truyền “lửa” nghề cho các diễn viên trẻ, để các bạn trẻ thể hiện tốt hơn nữa các vai diễn, góp phần gìn giữ, phát triển nghệ thuật chèo hơn nữa.
“Hiện, tôi đang trong quá trình xây dựng kịch bản cho vở diễn chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Tôi sẽ không ngừng nỗ lực để có thêm nhiều vở diễn hay phục vụ công chúng, để xứng đáng hơn nữa với danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cao quý mà Nhà nước đã trao tặng”, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hoài Thu bày tỏ.