Trong thông báo ngày 29/7, đại diện Twitter cho biết: “Trong khi tiến hành điều tra thêm, các nhân viên của chúng tôi đã khóa vĩnh viễn tài khoản này do liên tiếp vi phạm chính sách của hãng về hành vi gây thù hận”. Đại diện Twitter nêu rõ không cho phép hành vi gây thù hận tồn tại trên trang mạng xã hội, đồng thời lên án mạnh tư tưởng bài Do Thái. Nền tảng trực tuyến trên cũng bày tỏ xin lỗi vì đã không nhanh chóng đưa ra các phản ứng phù hợp.
Ngày 23/7 vừa qua, ca sĩ Wiley đăng tải trên mạng xã hội Twitter và ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram những tuyên bố như so sánh cộng đồng Do Thái với nhóm Ku Klux Klan (nhóm thù ghét người da màu tại Mỹ) hay cho rằng người Do Thái nắm những lợi ích kinh doanh và nên rời khỏi Israel. Đáp lại, Twitter và Instagram đã cấm nghệ sĩ Wiley hoạt động trên các nền tảng này trong 7 ngày. Tuy nhiên, một số tuyên bố của Wiley vẫn hiển thị trong nhiều giờ sau đó khiến dư luận Anh bức xúc và nhiều chính trị gia, người nổi tiếng cùng nhiều nhân vật quan trọng khác tuyên bố tẩy chay Twitter 48 giờ tính từ ngày 27/7. Tài khoản Twitter của Wiley hiện có khoảng nửa triệu người theo dõi.
Trong ngày 28/7, các trang mạng xã hội Facebook và Instagram tuyên bố vô hiệu hóa tài khoản của Wiley. Trong khi đó, cảnh sát Anh đang điều tra Wiley về những phát ngôn này.
Ca sĩ Wiley đã bày tỏ xin lỗi vì những bình luận của ông được xem là bài Do Thái, đồng thời khẳng định: “Tôi không phải là người phân biệt chủng tộc”.
Wiley, 41 tuổi, có tên thật là Richard Cowie. Rapper này được coi là nhân vật tạo ra phong cách âm nhạc được gọi là "bụi bẩn" và thường được gọi là "Bố già của bụi bẩn". Ca sĩ này từng phát thành đĩa đơn bán chạy nhất nước Anh vào năm 2012 và có một số bài hát thuộc nhóm tốp 10 bài hát được giới trẻ yêu thích nhất. Wiley cũng từng được Chính phủ Anh vinh danh về những đóng góp cho âm nhạc vào năm 2018.
Trong khi đó, ngày 29/7, những người may mắn sống sót trong các vụ thảm sát người Do Thái của Đức quốc xã đã phát động chiến dịch đăng tải các video lên Facebook nhằm hối thúc gỡ bỏ những bài viết có nội dung chối bỏ cuộc thảm sát này.
Chiến dịch trực tuyến trên được thực hiện khi đã có gần 1.000 công ty và tổ chức, trong đó có những tập đoàn lớn như Adidas, Coca-Cola, Puma và Starbucks, đình chỉ quảng cáo trả tiền trên nền tảng Facebook, mạng xã hội vốn có hơn 1,7 tỷ người sử dụng hằng ngày để hưởng ứng chiến dịch tẩy chay trang mạng này mang tên #StopHateForProfit (Ngừng kiếm lợi từ sự thù địch). Chiến dịch kêu gọi các doanh nghiệp ngừng mọi hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội Facebook và trên ứng dụng Instagram trong tháng 7 nhằm gây áp lực buộc Facebook phải xem xét lại chính sách trong việc xử lý những ngôn từ mang tính thù địch và những thông tin sai lệch. Trong một phản ứng của mình, tuần trước, Facebook cho biết sẽ đưa ra "danh sách cấm rộng hơn về các nội dung kích động thù hận", đồng thời gắn thẻ các bài vi phạm quy tắc nền tảng, giống như các biện pháp mà trang mạng xã hội Twitter đang thực hiện.