Có là tiếng chuông cảnh tỉnh?
6 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 8/2019, các chuyến xe đưa đón học sinh Trường Phổ thông liên cấp Marie Curie (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khởi hành. Cũng với lái xe, trên xe có một người quản lý, làm nhiệm vụ đón - trả học sinh trong suốt hành trình.
6 giờ 30 phút sáng, những học sinh đầu tiên lên xe. Khác hẳn với 1-2 tuần trước, hôm nay, có những trẻ dù còn ngái ngủ nhưng cố gắng thức bởi nhớ lời dặn của bố mẹ sau sự cố ở trường Tiểu học Gateway: Không được chợp mắt trên xe.
Một học sinh lớp 2 trường Marie Curie cho biết: “Bố mẹ dặn con không được ngủ trên xe, nếu muốn ngủ phải ra gần chỗ cô trông hoặc gần bác tài. Nếu có ngủ quên, khi tỉnh dậy không thấy ai thì phải lên đầu xe bấm còi ô tô để người khác biết”.
Các buổi sáng, việc đón trẻ diễn ra rất nhanh vì chỉ chậm một chút thôi ở mỗi điểm đón là có thể gặp cảnh tắc đường, ảnh hưởng tới cả lộ trình tiếp theo. Chị Kim Anh, trưởng xe buýt số 7, Trường Phổ thông Liên cấp Marie Curie cho biết: “Sự cố cháu học sinh của trường Gateway tử vong là tiếng chuông cảnh tỉnh để mỗi người làm việc trên những chuyến xe đưa đón học sinh cẩn thận hơn, trách nhiệm hơn với công việc của mình”.
Ngay sau vụ việc bé lớp 1 tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh, có phụ huynh kể lại việc con chị (9 tuổi) tỉnh giấc khi chiếc xe đưa đón đã được đưa về điểm tập kết ngoài ngoại thành. Con đã lớn, nên tìm được cách thoát ra, rồi nhờ sự giúp đỡ cuả mọi người để về được nhà.
Những câu chuyện trên cho thấy, khả năng “bị quên” là có thể xảy ra đối với bất kỳ học sinh nào.
Tại Hà Nội, cùng với sự phát triển nóng của các khu đô thị là sự đòi hỏi bức thiết về trường học. Vì nhiều lý do, có những gia đình chấp nhận đi xuyên cả thành phố để con được học trong ngôi trường ưng ý. Thậm chí, có những trường tư thục dời địa điểm ra khu vực cận đô cũng không thiếu học sinh là người sống trong các quận nội thành. Chính vì vậy, mỗi ngày, Hà Nội có đến hàng nghìn chiếc xe đưa đón học sinh. Để được đi học trong môi trường đã được cha mẹ chọn, có những học sinh, thậm chí ở lứa tuổi mầm non mỗi ngày phải di chuyển trung bình từ 40 - 80 km.
Chị Nguyễn Thanh Hằng (Khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày con gái tôi (3 tuổi) di chuyển bằng xe bus của trường hơn 50 km. Tôi cũng lo lắng, tuy nhiên, cũng cần phải đặt niềm tin vào cách quản lý của trường nơi con mình theo học. Trên chuyến xe, các thầy cô cũng dạy các con tinh thần chia sẻ, các anh chị lớn hướng dẫn các em bé hơn khi lên - xuống xe”.
Chị N.T.H, một phụ huynh từng quyết tâm cho con học tại một trường cách nhà hơn 1 giờ chạy xe ô tô, cho biết: “Mỗi sáng, nhất là mùa đông mưa rét, chở con con ro đến điểm đón cách nhà hơn cây số, rất thương. Nghĩ đến chặng đường dài con phải đi để tới trường, một mình trên xe, chưa kịp ăn sáng và ngái ngủ, càng xót. Nhưng dù sao việc đi học trên xe bus cũng an toàn hơn chở con xe máy trong điều kiện giao thông hiện nay”. Bản thân chị H và gia đình trong thời gian đầu cũng đi theo xe của con hàng ngày, tận mắt chứng kiến cảnh trên chiếc xe 35 chỗ, các cháu nhỏ nhường nhịn nhau, cô giáo thuộc tính nết từng em nhỏ và số điện thoại người đưa đón, nên đã yên tâm gửi con đi học.
Tuy nhiên, chị cũng cho biết, trong một lần “đi thử” cùng con, chị chứng kiến cảnh xe bị nổ lốp giữa đường cao tốc. “Chặng đường khá xa, tần suất đi lại trên đường cao, trong thời gian kéo dài nhiều năm, không thể nói trước được điều gì. Nếu không may xảy ra chuyện gì, chỉ hai, ba người lớn trên xe, chắc chắn khó hỗ trợ được hết cho hơn 30 cháu nhỏ”- chị H. cho biết lý do đành cho con học trường công ngay cạnh nhà, để không phải đi xe bus của trường nữa.
Đồng loạt phát đi thông báo
Ngay sau khi xảy ra vụ việc của trường Tiểu học Gateway, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Marie Curie phát “báo động đỏ” tới toàn thể nhân viên, giáo viên nhà trường. Báo động này được niêm yết trên những chuyến xe đưa đón.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết: Học sinh có thể ngủ quên trên xe, do đó, trưởng xe và lái xe phải kiểm tra xe trước khi đưa xe về bãi tập kết, đồng thời báo cáo về Trung tâm quản lý xe theo quy định. Học sinh có thể ngã hoặc va vào phương tiện khác khi lên xuống xe, vì vậy, lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng/mở cửa xe và chuyển bánh. Xe có thể đụng phải học sinh khi ra/vào nơi tập kết đón học sinh lúc tan trường, do đó, lái xe phải đi chậm và tuân theo sự dẫn dắt của giám thị.
Những quy tắc này được Ban giám hiệu Trường Phổ thông liên cấp Marie Curie phát đi ngay sau sự việc gây chấn động dư luận của trường Tiểu học Gateway.
Bản thân Trường Tiểu học Gateway, sau 4 ngày xảy ra sự việc đau lòng, đã họp phụ huynh toàn trường nhằm xây dựng và hoàn thiện các quy trình đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh. Ban giám hiệu nhà trường cam kết: Rà soát toàn diện và tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường và công tác đưa đón. Trường đang tìm kiếm thêm giải pháp khác trong giám sát hoạt động của xe buýt để phụ huynh có thể kiểm tra hoạt động này bất kỳ lúc nào. Đồng thời, trường chấm dứt hợp đồng dịch vụ xe buýt đưa đón học sinh với công ty Ngân Hà (công ty có xe xảy ra vụ việc học sinh lớp 1 tử vong nghi do bị bỏ quên) và thay thế toàn bộ bởi Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Việt H3.
Ban giám hiệu trường Tiểu học Gateway cũng tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ lái xe, nhân viên đưa đón và các giám sát viên về quy trình đón - trả học sinh an toàn, cũng như các vấn đề cần lưu ý quan trọng trong quá trình đón trả trẻ. Chỉ ký hợp đồng với lái xe và nhân viên đưa đón đã tham gia tập huấn và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn cho hoạt động đưa đón trẻ bằng xe buýt.
Một số trường tư thục khác trên địa bàn Hà Nội cũng đồng loạt gửi phiếu quy trình và cam kết đưa đón trẻ một cách chi tiết. Một số trường áp dụng phần mềm điện thoại, báo tin con vào lớp tới các vị phụ huynh. T
Bài 2: "Hở" cả văn bản lẫn thực tế