Tại một số quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai…, tình trạng quá tải tại các trường phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học diễn ra rất căng thẳng. Nhiều trường có sĩ số lên tới gần 70 học sinh/lớp, học sinh phải ngồi 3 em/bàn. Thậm chí có trường còn phải cho học sinh nghỉ học 1 ngày trong tuần và học bù vào ngày cuối tuần do không thể bố trí được lớp học. Tình trạng trường lớp bị quá tải đã xảy ra từ nhiều năm nay, không chỉ gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh và nhà trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Khó xoay người, khó cả kê tay
Là trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước, chuyện trường, lớp học quá tải tại một số quận nội thành Hà Nội diễn ra từ nhiều năm nay. Song so với các năm học trước, năm học 2018 - 2019 sĩ số học sinh tại các lớp đầu cấp tăng cao kỷ lục. Một phần do học sinh bước vào lớp 1 tuổi “Rồng vàng 2012”, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là tình trạng tăng dân số cơ học tại Thủ đô ngày càng cao.
Năm học 2018 - 2019, trường Tiểu học Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) có 9 lớp 1, sĩ số trung bình 64 học sinh/lớp. Năm học trước, sĩ số học sinh tại các lớp đầu cấp cũng thấp hơn một chút, khoảng 60 học sinh/lớp. Trên cùng địa bàn, trường Tiểu học Nghĩa Tân cũng có số lượng học sinh nhập học lớp 1 khá đông, sĩ số tại các lớp phổ biến 60 học sinh/lớp. Theo quan sát của phóng viên, mỗi lớp học chỉ kê được 24 bàn chia thành 4 tổ. Như vậy, nhiều bàn phải ngồi 3 em mới đủ chỗ.
Anh Trần Mạnh Thanh có con năm nay học lớp 1 tại trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết: “Lớp đông học sinh nhưng không thể kê thêm bàn vì nếu kê thêm, các cháu ngồi trên cùng sẽ có tầm nhìn quá gần bảng, rất hại mắt. Mà không kê thêm thì con tôi phải ngồi cùng 2 bạn nữa, xoay người còn khó nói gì kê tay tập viết”. Đưa con vào lớp 1 trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), anh Trịnh Xuân Nam than thở: “Lớp 1 làm quen với những nét viết đầu tiên, rất cần sự quan sát, uốn nắn kịp thời của giáo viên nhưng lớp đông quá, lối đi giữa các dãy bàn thì hẹp, giáo viên khó có thể xuống tận bàn cuối cùng”.
Để sắp xếp đủ chỗ cho gần 1.200 học sinh lớp 1, trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) đã phải tăng số lớp để giảm sĩ số học sinh xuống dưới 60 học sinh/lớp. Tuy nhiên, do không đủ phòng học để bố trí cho số lớp tăng ngoài kế hoạch này nên trường buộc phải cho học sinh nghỉ học luân phiên 2 ngày trong tuần và học bù vào thứ 7. Điều này gây không ít bất tiện cho cha mẹ học sinh vì ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt của gia đình như không có người trông con vào ngày nghỉ luân phiên. Đó là chưa kể đến thời gian học của học sinh chỉ còn 4 ngày thay vì 5 ngày như các trường khác.
Không chỉ tại “tuổi vàng”
Nhiều ý kiến cho rằng, năm nào trẻ sinh vào “tuổi vàng” đến tuổi đi học thì năm đó tình trạng quá tải lại diễn ra. Song thực tế, từ nhiều năm nay, tình trạng trường lớp học quá tải tại Hà Nội đã diễn ra và mức độ ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, vài năm trở lại đây, các trường trên địa bàn quận thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải học sinh. “Tuổi vàng” cũng là một lý do nhưng chủ yếu vẫn là việc tăng dân số cơ học từ các khu đô thị, chung cư trên địa bàn. Đó là chưa kể đến một số khu vực giáp ranh quận Cầu Giấy còn thiếu trường công lập, người dân không có điều kiện cho con học tại các trường tư thục nên tìm mọi cách xin cho con vào học tại các trường của quận Cầu Giấy.
Đơn cử như hiện phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chưa có trường Trung học cơ sở. Học sinh hai phường Quan Hoa và Dịch Vọng vẫn phải học chung tại trường Trung học cơ sở Dịch Vọng khiến sĩ số học sinh tại trường này lên đến gần 60 học sinh/lớp, gây rất nhiều khó khăn trong công tác dạy và học ở cấp học này. “Năm tới, dự kiến một số chung cư ở quận Cầu Giấy sẽ hoàn thành, có khoảng 15.000 người dân sẽ đến sinh sống. Chúng tôi cũng chưa biết phải giải quyết thế nào với số trẻ trong độ tuổi đi học tăng kèm với số dân này”, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Tình trạng tăng dân số cơ học dẫn đến trường lớp học quá tải cũng diễn ra tại quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân. Đây là những quận có mật độ chung cư xây dựng khá dày đặc với tốc độ nhanh.
“Theo quy hoạch, xây chung cư thì phải có trường nhưng quy định này lại không nói rõ là trường công lập hay ngoài công lập. Có khu đô thị lớn dành quỹ đất cho xây dựng trường nhưng lại là hệ thống trường quốc tế, trường dân lập hoặc cả mấy tòa chung cư, họ chỉ xây mỗi một trường mầm non, lại là trường mầm non tư thục. Nhà tái định cư, trường mầm non tư thục học phí cao, dân nào có tiền cho con học được”, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ chia sẻ.
Chưa kể đến tình trạng quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng trường ở một số địa phương chưa đảm bảo tính khả thi, tại khu vực khó giải phóng mặt bằng, nằm trong quy hoạch hành lang xanh hoặc vướng mắc về tính pháp lý… cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trường thiếu lớp như hiện nay.