Coi là phương tiện để học trò lên tiếng
Mới đây, hai giáo viên ở Hà Nội và Vũng Tàu đã đưa bộ phim Hàn Quốc “Hậu duệ Mặt trời” vào đề thi tiếng Anh, ngữ văn. Khi đọc đề thi này, em Nguyễn Hoàng Tùng (THPT Yên Hòa, Hà Nội) cho biết: “Hầu như chúng em đều biết đến bộ phim Hậu duệ Mặt trời. Nhiều bạn là fan cuồng của phim Hàn đã rú lên khi đọc đề thi. Và cũng vì hào hứng với đề thi, nhiều bạn đã làm bài khá say mê và bằng cảm nhận chân thật của mình. Em nghĩ đây là đề thi khá thú vị”.
Không chỉ Tùng, ngay khi dòng chia sẻ về đề thi này lên mạng, nhiều học trò đã bàn tán, chủ yếu theo hướng tích cực. Tuy nhiên, không ít phụ huynh tỏ ra phản đối, thậm chí còn gặp trực tiếp giáo viên để trao đổi về đề thi. Chị Nguyễn Mỹ Hạnh (phố Hoa Bằng, Hà Nội) cho rằng: “Đã là đề thi thì nên mang tính định hướng, khái quát. Con gái tôi là một fan cuồng của phim Hàn, cháu đã sung sướng khi kể về đề thi này. Nhưng tôi thì lại thấy lo. Tôi đã từng nhìn thấy con mất ăn mất ngủ khi theo dõi sao Hàn Quốc trên phim và ngoài đời. Nên nếu ra đề thi theo cách này, liệu có khuyến khích cho phong trào thần tượng của các con không? Có rất nhiều vấn đề thời sự gần đây, tại sao lại đi tìm hiểu lịch sử ở một nước khác?”.
Thầy giáo đăng đề thi có bộ phim học trò yêu thích lên facebook. |
Tại các diễn đàn mạng xã hội, không ít ý kiến tranh cãi về vấn đề này. Thậm chí, một bộ phận giáo viên, phụ huynh tỏ ra nghi ngại về tính thời sự trong đề thi. Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề này, TS Trịnh Thu Tuyết (Trung tâm Học Mãi, Hà Nội) cho biết: “Bản thân việc có một lượng fan khổng lồ cho bộ phim, làn sóng say mê cuồng nhiệt với các sao Hàn của một bộ phận giới trẻ đã tạo ra những hiệu ứng trái chiều dữ dội trong cộng đồng. Người đau xót phản đối vì những kí ức lịch sử dân tộc, người bênh vực cho sự thần tượng cuồng nhiệt với lí do nghệ thuật thuần túy... Khách quan nhìn nhận, đây là vấn đề hoàn toàn có thể đặt ra cho các thí sinh suy ngẫm về lịch sử, về đất nước, về sự ngưỡng mộ/ hoặc mê muội thần tượng (như đề thi đại học cách đây mấy năm)...”.
“Điều đáng nói là cách ra đề như thế nào, đừng đặt các em vào những đường ray khuôn cứng, đừng định hướng tiêu cực. Nhất là phải có đủ dữ liệu để kể cả những thí sinh chưa từng xem hay nghe nói về bộ phim vẫn có thể bày tỏ suy nghĩ của mình một cách sâu sắc nhất. Đừng coi bộ phim và những quan niệm trái chiều là đích đến của tư duy. Hãy coi đó chỉ là dữ liệu, là phương tiện cho các em suy nghĩ về những vấn đề hữu ích, cao quý của cuộc sống xung quanh các em”, TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh.
Phải lựa chọn sự kiện có tính giáo dục
Với xu hướng đề mở, năm nay Bộ GD - ĐT định hướng rõ về việc ra đề thi với các môn khoa học xã hội. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết : “Đề thi năm nay ở các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước. Đây là cơ sở khá rõ ràng để thí sinh có căn cứ thực hiện”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng: “Một đề thi được học sinh đón nhận là đề thi đã gắn với cuộc sống. Điều này là cần thiết và quan trọng. Bấy lâu nay trong việc dạy lý thuyết chưa gắn với đời sống. Do đó, đề thi hướng đến đời sống nhiều hơn sẽ được học sinh đón nhận. Người thầy có nhiệm vụ giúp định hướng điểm đến nhân văn cho học sinh”.
TS Trịnh Thu Tuyết cho biết : “Trước khi suy nghĩ xem vấn đề này có được xem là vấn đề thời sự gần gũi với cuộc sống xã hội theo định hướng của Bộ GD - ĐT hay không, cần phải xác định tiêu chí lựa chọn vấn đề thời sự cho đề thi. Một đề thi kiểm tra được kiến thức và kĩ năng, khơi gợi hứng thú của thí sinh phải đạt tới sự chuẩn mực về tính khoa học, tính nhân văn và sự hấp dẫn của tình huống nhận thức. Tính khoa học được thể hiện ở sự chính xác trong yêu cầu về kiến thức, ở những dữ liệu xác thực và phù hợp với khả năng tiếp nhận, tư duy, bàn luận của thí sinh; tính nhân văn thể hiện ở việc đề bài hướng tới bồi dưỡng cho thí sinh những cảm quan nhân văn cao quí, biết trân trọng những giá trị Chân Thiện Mỹ của cuộc sống; hai yêu cầu ấy sẽ được thực hiện tốt nhất khi thí sinh thực sự có hứng thú trước tình huống nhận thức mà đề yêu cầu, khơi gợi tư duy sáng tạo, có khoảng trống cho những suy ngẫm, quan niệm độc lập của các em”.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết thì bất cứ sự việc hiện tượng nào cũng có thể đặt ra vấn đề cho thí sinh suy nghĩ, bàn luận và đưa ra cách nhìn nhận đánh giá của riêng mình. Qua đó hình thành thế giới quan, nhân sinh quan tích cực nhất. Rất đơn giản vì các em chính là những thành viên của cuộc sống xã hội đang hiện hữu các vấn đề đó. Vấn đề đặt ra cho những người ra đề là biết lựa chọn sự việc, hiện tượng có tính giáo dục, khơi gợi hứng thú, đảm bảo đầy đủ dữ liệu cho các em suy nghĩ luận bàn. Nhưng không chỉ lựa chọn sự việc, hiện tượng, điều đặc biệt quan trọng là sự định hướng của đề thi. Sự định hướng, nếu có, cần khéo léo, hướng thiện, tránh những hướng triển khai tiêu cực cho thí sinh.