Quyết định 64/2008/QĐ-BGDĐT (quyết định 64) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2008 quy định về chế độ làm việc của các giảng viên đang tồn tại rất nhiều điểm bất cập, đặc biệt là những quy định đối với giảng viên môn học Giáo dục thể chất trong các trường đại học, cao đẳng không chuyên.
Định mức cao gấp rưỡi
Trong quyết định 64, tại điểm b, khoản 1, điều 11 có quy định khung định mức giờ chuẩn giảng dạy của các loại hình giảng viên như sau:
Theo quy định này, định mức giảng dạy của giảng viên môn Giáo dục thể chất (GDTC) lại cao gấp rưỡi định mức của giảng viên các môn học khác. Trong khi để được giảng bài, các giảng viên GDTC cũng phải được đào tạo một cách chính quy, phải vượt qua các kỳ sát hạch như giảng viên các môn học khác, để đảm bảo cho một tiết học giảng viên GDTC cũng phải nghiên cứu tài liệu, phải nắm vững các kiến thức chung và chuyên môn phải chuẩn bị sân bãi, dụng cụ, giáo án, giáo trình, phải giảng dạy trên lớp 45-50 phút/1tiết... như giảng viên các môn học khác, v.v... Thậm chí giảng viên GDTC còn gặp nhiều khó khăn, vất vả hơn các giảng viên dạy trong giảng đường (giảng dạy ngoài trời chịu sự tác động của thời tiết, công tác quản lý trong giờ học khó khăn hơn do sự phân tán chú ý của sinh viên, phải nói to hơn do giảng bài ở không gian rộng...). Chính vì vậy mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xếp nghề này là một nghề độc hại.
Giờ học Giáo dục thể chất của học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội). |
Bên cạnh đó, có thể nói GDTC là môn học dễ gặp “rủi ro” hơn vì nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe và đôi khi là tính mạng của người học, nếu người giảng viên sơ suất trong công tác bảo hiểm giúp đỡ hoặc sơ suất trong định lượng vận động cho sinh viên thì có thể xảy ra những hậu quả không lường, điều đó cho thấy trách nhiệm của người giảng viên GDTC trước người học là rất lớn. Vậy mà quyết định 64 lại đòi hỏi giảng viên môn Giáo dục thể chất phải “làm việc gấp rưỡi” so với giảng viên các môn học khác thì mới đủ định mức!
Trong quyết định 64, định mức giảng dạy của giảng viên các môn học Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh là như nhau. Tuy nhiên, ngày 15 tháng 12 năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư số 36/2010/TT-BGDĐT quy định giảm khung giờ giảng của giảng viên môn Quốc phòng - An ninh xuống còn như các môn học khác, còn khung giờ giảng của giảng viên môn học Giáo dục thể chất thì vẫn giữ nguyên.
Cũng nhìn vào khung định mức giờ chuẩn của loại hình giảng viên GDTC, cũng dễ nhận thấy là định mức của các chức danh giáo sư và giảng viên cấp cao lại cao hơn định mức của giảng viên thường là 80 tiết. Có thể khẳng định đây là một quy định bất hợp lý. Bởi lẽ, đặc thù trong việc giảng dạy của môn học GDTC là ngoài việc giảng dạy (ở ngoài trời) người giảng viên GDTC còn phải liên tục vận động và làm mẫu động tác. Trong trường hợp này không hiểu rằng các giảng viên là GS, giảng viên cao cấp (thường là đã cao tuổi) có còn đủ sức để đứng lớp giảng bài (chưa nói là giảng bài có chất lượng) nữa hay không?
Trước đây, (khi chưa có quyết định 64) định mức giờ chuẩn của các chức danh giảng viên là như nhau.
“Quên” giờ ngoại khóa
Trong công tác giáo dục thể chất, hoạt động ngoại khóa, ngoài tác dụng giáo dục, giáo dưỡng rất lớn cho sinh viên, học sinh; nó còn có tác dụng cân bằng tâm- sinh lý, nâng cao hiệu quả học tập các môn học khác. Có thể khẳng định rằng đây là một hoạt động không thể thiếu trong các trường đại học, cao đẳng. Các công việc này được giảng viên GDTC thực hiện ngoài thời gian lao động chính thức, nhiều khi phải làm việc với cường độ cao, (mà có lẽ theo luật lao động thì thời gian làm việc này còn có thể được nhân theo hệ số), chính vì vậy mà hoạt động ngoại khóa đã được xác định là một trong 5 nhiệm vụ của người giảng viên dạy môn học giáo dục thể chất trong các trường đại học, cao đẳng không chuyên thể dục thể thao, được điều chỉnh và quy định tại mục 1 của Thông tư 07/TT-CB của Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề ra ngày 1/4/1980.
Cũng tại Thông tư số 07, ở mục 3 có qui định rất rõ về giờ chuẩn, cách quy đổi các công việc thành giờ chuẩn (thời gian tổ chức hoạt động ngoại khóa, huấn luyện viên, trọng tài...); nhưng nay, tại quyết định 64/2008/BGDĐT thì không thấy có mục nào quy định về vấn đề này, không hiểu từ nay các giảng viên Giáo dục thể chất có phải tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa hay không? Nếu có thì thời gian đó có được tính và quy đổi hay không?, nếu được, thì quy đổi như thế nào?
Đã triển khai được 3 năm, nhưng bất cập của quyết định 64 đã bộc lộ rõ. Một câu hỏi được nhiều giảng viên môn học Giáo dục thể chất đặt ra: Không hiểu rằng đến bao giờ những bất cập trên mới được giải quyết và lao động của các giảng viên môn học Giáo dục thể chất mới được đánh giá một cách công bằng? Câu hỏi này xin gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bảo Tâm