Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Đề án hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân được khởi động từ năm 2013, đã qua nhiều lần dự thảo. Các dự thảo đề án đã được tổ chức lấy ý kiến đóng góp các Bộ ngành, cơ sở đào tạo và nhiều chuyên gia. Mục tiêu của đề án là đề xuất phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bố cục của đề án gồm 6 phần: Quá trình chuẩn bị đề án; lịch sử phát triển hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân; thực trạng hệ thống giáo dục quốc dân; quan điểm, nguyên tắc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; giải pháp; tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, đề án đề xuất phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể là điều chỉnh cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đảm bảo tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hệ thống giáo dục nên được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi (cần hoặc không cần điều kiện bổ sung) giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời. Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.
Giáo dục cơ bản là 9 năm thống nhất cho mọi địa bàn, mọi nhóm đối tượng; trung học phổ thông là 3 năm, học sinh có thể lựa chọn 3 luồng chính là định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).
Hệ thống đào tạo cần tập trung thành 3 luồng chính là luồng hàn lâm (các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu), luồng ứng dụng và luồng thực hành (nối các chương trình đào tạo kĩ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính nghiệp vụ ở trình độ cao).
Hiện nay, việc triển khai xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức do nhận thức chưa rành mạch về giáo dục thường xuyên (giáo dục thường xuyên như một phân hệ của hệ thống giáo dục hay chỉ là một phương thức tổ chức hoạt động học tập).
Vì vậy, cần khẳng định rõ mọi phương thức tổ chức học tập ở mọi cấp trình độ đều có giá trị như nhau. Hệ thống giáo dục quốc dân với các cơ sở giáo dục như hiện nay sẽ cung cấp đồng thời các cơ hội học tập ban đầu và các cơ hội giáo dục tiếp tục (suốt đời) cho tất cả mọi nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng. Điều này sẽ góp phần giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với các loại văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được đề xuất trong tờ trình này có một số điều chỉnh so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về giáo dục như sau: Giáo dục phổ thông không có thay đổi gì về cấu trúc so với Luật Giáo dục 2005 và Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục 2009.
Cơ cấu mới đề nghị khẳng định rõ tính phân luồng trong giáo dục THPT thông qua xác định các hướng chuyên sâu cho học sinh THPT là định hướng chung, định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu . Học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp.
Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 2 Điều Luật giáo dục: 4-6 năm) và trình độ tiến sĩ (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 4 Điều Luật giáo dục: 2-4 năm).
Các điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.