Theo đó, các đơn vị thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng như của chính quyền địa phương; tuyệt đối không hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các Sở GD-ĐT, các nhà trường nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng ở địa phương để nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học. Đồng thời, kích hoạt hệ thống phòng dịch, trang thiết bị phòng dịch trong nhà trường; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các yêu cầu phòng, chống dịch.
Các đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên, nhà giáo, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Thực hiện theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt, khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp học, nhà vệ sinh theo quy định.
Các đơn vị điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Đến thời điểm này, để phòng, chống dịch COVID-19, đã có 30 tỉnh, thành phố cho học sinh tạm dừng đến trường, trong đó, đa số các địa phương chuyển sang hình thức dạy, học trực tuyến. Một số địa phương, nhà trường đã tiến hành kiểm tra, đánh giá học kỳ II để hoàn thành chương trình năm học. Tỉnh Nam Định cho học sinh nghỉ hè từ ngày 10/5, Phú Thọ nghỉ hè từ 11/5 (trừ lớp 9 và lớp 12).