Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng tổ chức các lớp học trực tuyến đối với cấp Tiểu học. Cấp Mầm non vẫn tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo mới. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo Hiệu trưởng các trường Tiểu học thực hiện việc hướng dẫn học sinh tự học ở nhà bằng cách xây dựng các chuyên đề, câu hỏi để học sinh ôn tập, rèn luyện tại nhà (hoặc chuyển cho phụ huynh học sinh hướng dẫn) thông qua hình thức gián tiếp như các phần mềm dạy học đang thực hiện, zoom, zalo, gmail, facebook…
Cấp Trung học cơ sở (khối lớp 6,7,8) sẽ tiếp tục tổ chức các lớp dạy và học trực tuyến nhằm ôn tập, củng cố, bồi dưỡng kiến thức phổ thông cho học sinh trước khi chuyển sang học chương trình chính khóa. Đối với học sinh lớp 9 và học sinh cấp Trung học phổ thông, tiếp tục học trực tuyến theo chương trình chính khóa năm học 2021-2022.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị, trường học duy trì tổ chức dạy và học trực tiếp đối với 4 trường thí điểm. Cụ thể, cấp Tiểu học có Trường Tiểu học Hòa Mỹ 1, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước và Trường Tiểu học Thới Bình C, xã Thới Bình, huyện Thới Bình; cấp Trung học cơ sở có Trường Trung học cơ sở Hàm Rồng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn và Trường Trung học cơ sở Khánh Bình Tây Bắc, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.
Tỉnh Cà Mau hiện có 369 trường Phổ thông và 2 trung tâm (Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập). Theo phương án đề xuất dạy và học từ tuần thứ ba trở đi, tỉnh có 321 trường học đăng ký dạy học trực tuyến, 34 trường học đăng ký dạy học trực tiếp (bao gồm 4 trường thí điểm) và 16 trường học đăng ký vừa dạy học trực tiếp, vừa trực tuyến theo khối lớp.
Kết quả qua hai tuần đầu tổ chức dạy và học trực tuyến cho thấy, các đơn vị, trường học đã kết hợp với VNPT và Viettel Cà Mau cài đặt, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh phần mềm VNPT-Elearning-VNPT, K12 Online-Viettel, cấp tài khoản cho giáo viên và học sinh; sinh hoạt về quy chế, quy định, thái độ học tập, kỹ năng thao tác trên môi trường mạng. Ngoài hai phần mềm của VNPT và Viettel, một số ít đơn vị, trường học còn ứng dụng phần mềm khác, như: Zoom Cloud Meetings, Google Meet, olm.vn, zalo…
Các đơn vị, trường học đã chủ động xây dựng các phương án dạy học phù hợp với điều kiện của trường, địa phương; tổ chức phân công chuyên môn giáo viên, sắp xếp biên chế lớp; sinh hoạt quy chế, hướng dẫn học sinh học tập trực tuyến, sắp xếp thời khóa biểu khá hợp lý, kịp thời; chuẩn bị các điều kiện để dạy học trực tuyến như đường truyền, máy tính…; rà soát nội dung chương trình, xây dựng bài dạy qua internet theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, phần lớn các trường đã có kinh nghiệm, một bộ phận giáo viên được tập huấn, có kỹ năng dạy học trực tuyến tốt. Do đó, việc tổ chức dạy và học trực tuyến những ngày qua cơ bản đảm bảo yêu cầu. Hầu hết học sinh đều có ý thức và tham gia khá đầy đủ các khóa học do giáo viên tổ chức, nhất là học sinh khối 12.
Đối với tổ chức dạy và học trực tiếp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, Năm Căn và Cái Nước chỉ đạo Hiệu trưởng tại 4 đơn vị trường học được chọn thí điểm tổ chức dạy và học trực tuyến xây dựng các phương án tổ chức dạy và học theo chương trình chính khóa, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, tỷ lệ học sinh đến trường ở 4 điểm trường thí điểm đạt trên 85%; cơ sở vật chất, phòng học cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học trực tiếp trong tình hình dịch. Nhìn chung, phụ huynh và học sinh đi đến trường thuận lợi, chấp hành nghiêm túc quy định đi đường; thái độ học tập của đa số học sinh tích cực, đi học đúng giờ, thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh của nhà trường đề ra.
Mặt khác, việc dạy và học trực tuyến bước đầu ở Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tỷ lệ học sinh học trực tuyến đến tuần thứ hai chỉ mới đạt trên 88%; trong đó, cấp Tiểu học đạt 84,75%, cấp Trung học sơ sở đạt 90,03, cấp Trung học phổ thông đạt 95,90%. Trong số học sinh học trực tuyến có khoảng 60% học có chất lượng, số còn lại có tham gia học nhưng hiệu quả không cao, cấp học càng thấp hiệu quả càng thấp. Bên cạnh đó, đường truyền Internet chưa đảm bảo, quá tải, chập chờn, giáo viên và học sinh rất khó khăn khi kết nối đăng nhập, nhiều lúc không đăng nhập được, nội dung bài dạy bị dang dở…
Ngay từ đầu năm học mới, Sở đã vận động được trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ phần mềm, điện thoại, mạng 4G, học bổng, sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động trao tặng 500 điện thoại di động cho học sinh đặc biệt khó khăn để giúp các em điều kiện học tập trực tuyến. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của ngành Giáo dục Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 13.800 học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 vẫn chưa có thiết bị để học trực tuyến.