Các cơ sở đào tạo nghề tự chủ tài chính - cần thống nhất từ chính sách

Mặc dù chủ trương các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tự chủ tài chính được Chính phủ ban hành từ năm 2006 nhưng sau hơn 10 năm triển khai, tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến độ thực hiện chậm chạp.

 Nguyên nhân phần lớn được chỉ ra là do chính bản thân các trường e ngại tự chủ bởi khi không được cấp ngân sách thì nguy cơ “vỡ trận” do thu không đủ bù chi là rất lớn.

Lo không trả nổi lương cho giáo viên

Là cơ sở đào tạo nghề đã tự chủ một phần chi thường xuyên từ năm 2007, tức là một năm sau khi Nghị định 43 của Chính phủ có hiệu lực nhưng đến nay trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Hùng Vương vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu để bù vào các chi phí hoạt động.

Giờ thực hành của học viên tại Khoa Cơ điện tử, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy/TTXVN

“Mỗi tháng trường phải chi gần một tỷ đồng tiền lương cho giáo viên, nhân viên, ngoài ra còn có các chi phí khác nhưng nguồn thu gần như chỉ trông chờ vào học phí nên việc cân đo đong đếm thu-chi rất đau đầu”, bà Phạm Quang Trang Thủy - Hiệu trưởng trường chia sẻ.

Cùng chung nỗi lo, bà Hà Thanh Tuyền - Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn cho hay, trường chưa tự chủ tài chính nhưng tình hình đã rất khó khăn. Năm học 2017-2018, tuyển sinh chỉ đạt 70% chỉ tiêu được giao do đó hiện nay ngân sách vẫn phải cấp hơn 60%, số tiền còn lại trông chờ vào nguồn thu học phí và các dịch vụ gắn với đào tạo khác. Dự kiến đến năm 2021, trường mới chỉ đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, còn lại toàn bộ chi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách.

Tiến sỹ Trương Nguyễn Ánh Nga - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng lo ngại tự chủ tài chính khi hiện nay cơ sở vật chất của trường còn rất thiếu thốn và nhỏ hẹp. Cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là lý do khiến trường không dám tuyển sinh số lượng nhiều dù đang có một số ngành “hot” như đào tạo ca sĩ, diễn viên… Bên cạnh đó, do đặc thù của các ngành đào tạo nghệ thuật có những môn buộc phải một thầy một trò hoặc một lớp chỉ có tối đa không quá 4 sinh viên nên nếu phải tự chủ thì vô cùng nan giải.

Nhận định việc e ngại tự chủ tài chính là tâm lý chung của đại đa số các cơ sở đào tạo nghề, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền - thành viên nhóm tư vấn Đề án công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, do số lượng trường dạy nghề hiện nay quá nhiều dẫn đến sự cạnh tranh trong tuyển sinh.

Cùng với đó, các trường đại học cũng không ngừng tăng lên bởi chính sách nới lỏng cấp phép đã thu hút số lượng lớn học sinh học đại học khiến lượng người đi học trung cấp, cao đẳng nghề giảm đi đáng kể. Không tuyển sinh được, thu không đủ bù chi trong khi ngân sách đang dần giảm bớt, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề buộc phải “bán mình”, sáp nhập vào các trường đại học vì không thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Tự chủ tài chính - cần cơ chế mở

Mặc dù nguyên nhân chính là tâm lý e ngại thay đổi của các cơ sở đào tạo nghề nhưng Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền cũng không phủ nhận chính sách của Nhà nước vẫn chưa thực sự hợp lý. Trong đó cốt lõi là sự nhầm lẫn trong chức năng quản lý Nhà nước với chức năng quản lý sở hữu công đối với các cơ sở đào tạo nghề.

Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền chỉ rõ, lâu nay, các cơ quan chủ quản của các trường nghề tham gia quá nhiều vào các hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, thiết kế chương trình… trong khi đây là công việc thuộc về nội bộ trường mà cơ quan chủ quản không đủ khả năng, chuyên môn, thời gian để quản lý. Điều này vừa khiến các quyết định bị chậm trễ, bất hợp lý, không phù hợp với thực tế vừa khiến cho các trường có tâm lý ỷ lại, triệt tiêu động lực sáng tạo và trách nhiệm của các trường.

Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Quang Trang Thủy - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Hùng Vương cho hay, tuy đã tự chủ về tài chính nhưng có nhiều việc nhà trường không được tự quyết định. Bà Thủy lấy ví dụ điển hình là không được tự chủ về nhân sự.

Do trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Hùng Vương trực thuộc UBND Quận 5 nên nhân sự vẫn do UBND quận quyết định. Thế nên bao năm qua tình trạng người không làm được việc vẫn “chiếm cứ”, còn người làm được việc thì không thể tuyển dụng, vì thế chất lượng đào tạo không được nâng cao, khả năng thu hút học sinh càng trở nên khó khăn.

Do vậy, cần đặt ra lộ trình cụ thể hướng đến trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đào tạo nghề. “Tự chủ ở đây là tự chủ toàn bộ hoạt động đầu tư, huy động vốn, tính toán mức học phí, thu thường xuyên, quyết định bộ máy, tuyển dụng, bổ nhiệm, xây dựng chương trình, phương pháp đào tạo, liên kết đào tạo… theo quy định của pháp luật mà không cần xin phê duyệt ngân sách nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm đối với người đứng đầu trường. Cơ quan chủ quản chỉ quản lý dưới vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện mà thôi”, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền kiến nghị.

Dẫn chứng về việc trao quyền tự chủ toàn bộ hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Bùi Văn Hưng - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết: Năm 2016 trường được quyết định tự chủ tài chính toàn bộ. Khi tự chủ tài chính, điều đầu tiên Ban giám hiệu thực hiện là sắp xếp lại bộ máy nhân sự, bổ nhiệm đúng người đúng việc, miễn nhiệm người yếu kém… nên đã tinh giản được 50 nhân sự. Sau đó, trường quyết định đầu tư mở các mã ngành đào tạo thế mạnh để thu hút học sinh.

Cùng với lượng học sinh vượt chỉ tiêu, thu nhập của giáo viên nhờ đó cũng tăng 20% so với trước khi tự chủ. Ngoài ra, trường cũng được tự quyết trong việc liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng. Đến nay, khoảng 80% học sinh của trường được các doanh nghiệp nhận ngay sau khi tốt nghiệp.

Tuy hiện nay hành lang pháp lý về tự chủ các cơ sở đào tạo nghề nghiệp còn chưa đầy đủ nhưng ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc tiến tới tự chủ tài chính là xu thế tất yếu. Quá trình thực hiện tự chủ sẽ cơ cấu lại các cơ sở đào tạo nghề theo hướng sáp nhập các cơ sở đào tạo kém hiệu quả một cách hợp lý hoặc cho phá sản để củng cố hoạt động đào tạo nghề theo chiều sâu.

Để tránh không bị sáp nhập, theo ông Lâm trước mắt, các trường cần tự xác định lộ trình phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của mình cũng như tập trung đào tạo các ngành thuộc diện ưu tiên của thành phố như du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, nhà hàng, khách sạn, điều dưỡng…

Đinh Hằng (TTXVN)
Tự chủ tài chính sẽ làm 'bộ lọc' loại bỏ những trường yếu kém
Tự chủ tài chính sẽ làm 'bộ lọc' loại bỏ những trường yếu kém

Từ trước đến nay, nhờ vào cơ chế bao cấp tài chính, nhiều trường nghề không tuyển đủ chỉ tiêu vẫn tồn tại nhờ vào nguồn tài chính từ ngân sách. Vì thế, việc áp dụng tự chủ tài chính sẽ loại bỏ những trường đào tạo yếu kém.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN