Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) TP Hồ Chí Minh, năm học 2017-2018, Thành phố có hơn 1,6 triệu học sinh, tăng hơn 59.000 em so với năm học 2016-2017. Do đó, việc bố trí vị trí học cho học sinh trở thành áp lực lớn đối với ngành giáo dục thành phố. Nguyên nhân số học sinh tăng cao là do dân số cơ học tăng nhanh”.
Niềm vui của học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) |
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm học 2017-2018, TP Hồ Chí Minh sẽ tuyển dụng thêm hơn 1.000 viên chức, hơn 5.200 giáo viên và giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2016-2017; huy động nhiều nguồn lực bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ năm học mới với mức giảm giá 15%.
Thành phố cũng thực hiện xóa dần các trường không đạt yêu cầu. Năm học này, Thành phố đưa vào sử dụng 1.479 phòng học mới (tăng 978 phòng so với năm học 2016-2017). Thành phố đã cấp 4.422 triệu đồng để các quận, huyện sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho năm học. Các quận, huyện cũng chủ động sửa chữa, nâng cấp các phòng học và chủ động chuyển đổi một số phòng phục vụ học bán trú sang làm phòng học…
* Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD – ĐT Đà Nẵng, năm học 2017- 2018, ngành giáo dục thành phố chú trọng đến các giải pháp thiết thực nhằm giảm áp lực cho học sinh và giáo viên như: Giảm tải hội họp, xem xét loại bỏ các loại hồ sơ không cần thiết, gây phiền hà cho giáo viên và học sinh; tinh giản các cuộc thi giành cho giáo viên và học sinh, không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm tuyển sinh.
Sở khuyến khích các trường thành lập các câu lạc bộ tự chọn khác nhau, học sinh sẽ dựa theo năng khiếu, sở thích lựa chọn tham gia kết hợp giữa vui chơi, học tập để giải tỏa bớt căng thẳng. Điều quan trọng nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo hướng tới là tạo một không khí học tập nhẹ nhàng, giúp giáo viên và học sinh nâng cao hiệu quả chất lượng dạy và học.
Theo thống kê của Sở GD – ĐT Đà Nẵng, năm học 2017 - 2018, thành phố có 246.310 học sinh ở các bậc học, tăng 10.653 học sinh so với năm học 2016 - 2017. Đồng thời, thành phố có thêm 14 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 2 trường THPT. Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn tất việc bồi dưỡng giáo viên; tu bổ, sửa chữa, xây dựng trường mới, mua sắm trang thiết bị; tổng kinh phí đầu tư cho năm học mới là hơn 92.400 tỷ đồng.
* Còn tại những tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, giải pháp được đặt ra vẫn là tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện trường lớp cho học sinh đến trường. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD- ĐT Đắk Nông cho biết: Trong năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đầu tư hơn 153 tỷ đồng cho việc xây dựng mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học từ nguồn ngân sách và các nguồn vốn huy động xã hội hóa.
Tỉnh sẽ dành gần 65 tỷ đồng để xây dựng mới 133 phòng học cho 6 huyện Đắk Mil, Cư Jut, Đắk Glong, Krông Nô và Tuy Đức, giảm được tỷ lệ phòng học tạm thời gian qua. Ngành giáo dục ưu tiên xây mới phòng học đạt chuẩn tại các trường khu vực đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới. Đắk Glong là huyện được xây mới nhiều phòng học nhất. Ngoài ra, ngành giáo dục Đắk Nông bố trí 23,8 tỷ đồng để mua sách vở, thiết bị học cấp phát miễn phí cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.
Năm học 2017 - 2018, tỉnh Đắk Nông có 391 cơ sở giáo dục với 165.800 học sinh ở tất cả các cấp học, tăng 8.200 học sinh so với năm học trước. Số học sinh tăng trên tất cả các cấp học nhưng nhiều nhất là mầm non.
Do lượng người dân di cư trên địa bàn tỉnh không theo quy hoạch rất lớn làm lượng học sinh tăng nhanh hàng năm, kéo theo áp lực đảm bảo giáo viên, cơ sở vật chất cho việc dạy và học. Hiện tỉnh vẫn đang còn thiếu 510 giáo viên mầm non, 133 giáo viên tiểu học, một số trường học chưa đảm bảo tốt về cơ sở vật chất.
* Theo Sở GD - ĐT tỉnh Hậu Giang, để chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, tỉnh đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng chăm lo cơ sở vật chất trường, lớp học, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn khó khăn. Từ nay đến cuối năm 2017, Hậu Giang phấn đấu xây dựng thêm 20 trường đạt chuẩn Quốc gia, ước tính tổng kinh phí đầu tư hơn 33 tỷ đồng.
Năm học này, tỉnh Hậu Giang có gần 180.000 học sinh các cấp vào học tại 340 trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tổng số cán bộ giáo viên, công nhân viên toàn ngành giáo dục có hơn 10.000 người, trong đó có 340 cán bộ làm công tác y tế trường học.
Tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác y tế học đường, phấn đấu tất cả các trường học tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; 100% học sinh được cung cấp kiến thức về phòng chống dịch bệnh, các kỹ năng chăm sóc sức khỏe, kỹ năng phòng vệ bản thân; 100% học sinh các trường tiểu học được giáo dục nha khoa; 100% trường học trên địa bàn lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe học sinh; 100% trường trên địa bàn được kiểm tra, giám sát vệ sinh trường học, nha học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm 2 lần/ năm...