Một số trường đại học thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong cam kết đào tạo sinh viên ra trường có việc làm. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, bo cáo của các trường về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, nhưng thực tế ngoài xã hội thì sinh viên thất nghiệp nhiều, khiến xã hội mất niềm tin.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. |
Ông Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng trường ĐH Hàng hải Hải Phòng khẳng định: Phải bảo đảm chuẩn đầu ra là giá trị thật. Sinh viên trường ĐH Hàng hải tốt nghiệp đúng hạn chỉ 66% và phải chuẩn hóa tiếng Anh thì mới được tốt nghiệp.
Ông Lương Công Nhớ nêu rõ: “Chất lượng giáo dục đại học phải bảo đảm giá trị thật, chẳng hạn việc nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, phải là nghiên cứu thiết thực, không phải cho có, không phải để “làm hàng”. Chỉ khi học thật, dạy thật thì chất lượng mới bảo đảm, xã hội mới tin. Nhiều con em Hải Phòng giờ không chạy lên Hà Nội học nữa mà học ở ĐH Hàng hải”.
Còn Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho rằng: Cần có số liệu sinh viên ra trường có việc làm một cách thuyết phục. Số liệu hiện nay không thống nhất, nên xã hội rất hoang mang. Bộ GD- ĐT cần yêu cầu các trường báo cáo chính xác số liệu này, đồng thời phải có giải pháp để kiểm tra, giám sát nhằm tăng tính thuyết phục. Phải có sự đồng hành của doanh nghiệp đối với đào tạo đại học.
Nhiều ý kiến lãnh đạo các trường đại học về tuyển sinh, tự chủ đại học... |
Cùng với những trăn trở về chất lượng đầu ra, vấn đề chất lượng giảng viên cũng được đặt ra tại Hội nghị. Theo ông Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế: “Vấn đề trước mắt mà ngành cần quan tâm là phát triển chất lượng giảng viên, vì đây là yếu tố sống còn của giáo dục đại học. Có thể lấy nguồn ở những sinh viên xuất sắc bồi dưỡng thành giảng viên; hoặc tìm nguồn giảng viên từ bên ngoài có năng lực, chuyên môn tốt để giảng dạy”.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng các trường cần thẳng thắn nhìn nhận đào tạo phải gắn với thị trường. Muốn thế phải có khảo sát việc làm cho các ngành, phải xác định rõ trường nằm ở phân khúc nào của thị trường. Khi đã xác định rõ rồi thì tư vấn đúng cho thí sinh. Khảo sát thị trường tốn kém, nhưng cần thiết phải làm, vì như thế mới dự báo được các trình độ nhân lực mà thị trường cần, biết mình có thể đáp ứng phân khúc nào, từ đó quay lại xác định chỉ tiêu cho từng ngành một cách phù hợp.
Trước những vấn đề mà các trường đại học đặt ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Trong năm tới, đề nghị sửa 2 luật: giáo dục và giáo dục đại học để làm sao hệ thống pháp lý kiến tạo, hỗ trợ cho giáo dục phát triển. Giáo dục đại học quyết tâm quy hoạch mạng lưới ĐH và trường sư phạm một cách căn cơ, có tính đến xu hướng của thị trường, tránh cứng nhắc, méo mó. Thứ hai là thực hiện tự chủ ĐH mạnh mẽ, các trường tự chủ nhưng phải tăng tính trách nhiệm giải trình, phải cam kết với xã hội về chất lượng”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu tới đây, các trường phải tự chịu trách nhiệm về đầu vào, các trường tự định điểm chuẩn, muốn thế phải có rà soát thị trường, biết mình ở phân khúc nào để xác định ngành nghề đào tạo, đầu vào cho phù hợp. Các trường phải tư vấn cho thí sinh thì không nên chỉ dừng lại những gì mình có thể đào tạo mà nên gắn với đào tạo theo nhu cầu thị trường. Bộ sẽ khôi phục trung tâm dự báo nhân lực nhưng các chính các trường phải tự chủ động điều tra thị trường để đào tạo theo yêu cầu, điều chỉnh lại chương trình, giáo án, giảng viên.. đào tạo những ngành mà thị trường cần. Bộ sẽ không làm thay cho các trường trong vấn đề này.
Theo kế hoạch, đến 2020, các trường phải thực hiện tự chủ, vì thế các trường kể cả công lập và ngoài công lập phải chuẩn bị kỹ để triển khai. “Cần thay đổi tư duy, chủ động để tháo gỡ khó khăn, không kêu ca nhiều”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.