Tình trạng quy hoạch mạng lưới đô thị mới, khu công nghiệp chưa đi đôi với việc xây dựng các trường mầm non công lập khiến các bậc cha mẹ phải gửi trẻ ở các trường tư, nhóm trẻ gia đình chưa kiểm soát được chất lượng. Ông Trần Xuân Nhĩ (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chia sẻ với Tin Tức về vấn đề này bên lề Hội thảo về Chính sách giáo dục mầm non.
Hiện nay việc xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới hay khu công nghiệp chưa đi đôi với việc quy hoạch xây dựng các trường mầm non. Thực trạng này được xem là bị thả nổi và chưa thể tháo gỡ ngay. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tôi nghĩ Nhà nước hoàn toàn có thể can thiệp được nếu có chế tài đủ mạnh. Cụ thể quy định rõ, nếu mỗi tòa nhà chung cư có từ 100 - 150 trẻ phải có một quỹ phòng ở nhất định mở trường mầm non. Cha mẹ gửi con rất gần, không còn tình trạng tắc đường và hoàn toàn có thể giám sát được. Tất nhiên, quỹ phòng hay quỹ đất đó không phải thuê. Điều này cần sự can thiệp của Nhà nước với các chủ đầu tư. Nói nôm na, khi xây dựng, nếu nhà đầu tư không đồng ý với quy hoạch xây dựng, nhà nước có thể hủy hợp đồng với nhà đầu tư đó. Tương tự, điều này có thể áp dụng đối với các chủ doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp khi yêu cầu họ xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân.
Trẻ sử dụng dụng cụ ăn, uống đảm bảo vệ sinh tại Trường Mầm non Việt - Bun, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Bên cạnh đó ngành giáo dục cần làm tốt khâu đào tạo, kiểm tra, đánh giá các cơ sở giáo dục để không xảy ra tình trạng đáng tiếc. Tình trạng trẻ em bị "tắm đòn" trong những nhóm trẻ gia đình, hay như trẻ học ở những nơi cơ sở vật chất xuống cấp... cần được các cơ quan quản lý xử nghiêm và có chế tài mạnh với những người làm sai. Đây là những việc trong tầm tay của Chính phủ, ngành giáo dục.
Vậy để đảm bảo chất lượng trường mầm non như ông nói cần làm những gì?
Việc đào tạo giáo viên cần phải được trú trọng, cần phải được đầu tư ngay từ khi thành lập trường. Trước khi thành lập mỗi trường mầm non, những người làm quản lý phải được học tập bài bản. Về mặt này cần đưa tiêu chí rõ ràng về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, điều kiện thành lập trường, giấy phép, trình độ đào tạo... Nếu họ làm được mới cho làm, chứ không chỉ đơn thuần là có tiền là mở được trường. Theo tôi, tình trạng bạo lực trong bậc học mầm non chính là lỗi do đào tạo. Nếu không đào tạo một cách đầy đủ những người mở lớp mầm non gia đình sẽ có một hệ lụy không tốt.
Tình trạng nơi thừa, nơi thiếu trường mầm non diễn ra ở nhiều địa phương. Vậy giải pháp với tình hình này là gì thưa ông?
Bằng cách nào đó chúng ta nên phổ cập giáo dục mầm non bằng biện pháp mở các lớp học gia đình. Tôi biết nhiều vùng nông thôn, có nhiều nhà xây dựng khang trang trong khi số lượng người trong gia đình rất ít và họ đi làm cả ngày. Hay như ở miền núi có những nhà sàn rộng còn trống ở phía dưới. Địa phương nên tìm đến những gia đình như vậy để thương lượng mở lớp mẫu giáo. Ban đầu với quy mô là lớp sau đó phát triển thành trường học.
Khi tôi còn đương chức tôi xin Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em và xin cấp được 100 triệu đồng. Tôi đem số tiền đó cho một xã và họ nói sẽ dùng số tiền đó để xây hai phòng học và huy động được 60 trẻ ra lớp. Tôi không đồng ý với giải pháp này. Tôi đã vận động những gia đình có điều kiện về nhà ở, tận dụng cơ sở vật chất của các gia đình mở các lớp mầm non và được 130 lớp. Mỗi lớp tôi cấp cho 1 triệu đồng để đào tạo giáo viên. Sau một thời gian đã có 2.600 trẻ được đến lớp; đến nay, nhiều lớp trong đó đã trở thành trường.
Bên cạnh đó, chính sách mới với việc huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp mà không huy động trẻ ở nhóm trẻ 2, 3, 4 tuổi là chưa đủ. Có nơi để huy động được 100% số trẻ 5 tuổi ra lớp học, nhiều nơi đã phải "dẹp" hết trẻ con ở bậc 2, 3, 4 tuổi và cho rằng đã thực hiện đúng mục tiêu. Trong khi việc phát triển giáo dục mầm non là thực hiện toàn diện từ 0 đến 5 tuổi và cần được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên,...
Xin cảm ơn ông!
Lê Vân (thực hiện)