Ngày 29/5/2009, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị Đại học dân tộc được ban hành. Sau 14 năm áp dụng, Thông tư đã dần trở nên "lỗi thời" và bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai tại các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp.
Các trường học gặp khó
Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước với hệ thống chính sách đặc thù, những năm qua, cơ sở vật chất, mạng lưới, quy mô trường lớp phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi Lào Cai đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đã được đầu tư thỏa đáng và củng cố rõ nét nhằm tạo thuận lợi cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao. Trong đó, các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh theo Thông tư 109 đã tạo động lực cho con em đồng bào các dân tộc yên tâm học tập, có tinh thần vươn lên đạt kết quả cao nhất trong rèn luyện, tu dưỡng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thực tế tại các các trường học cho thấy, trong quá trình thực hiện, Thông tư 109 đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại nhất định.
Cụ thể, học sinh các trường này được hưởng mức học bổng hàng tháng bằng 80% mức lương cơ sở để chi trả cho tiền ăn và sinh hoạt. So với mức lương hiện tại, mỗi em đang được nhận 1.192.000 đồng/tháng, không phân biệt học sinh lớp 6 hay lớp 9, dù chế độ dinh dưỡng có khác nhau. Các giáo viên cho rằng, trong bối cảnh giá cả ngày càng đắt đỏ, mức hỗ trợ này đã không đáp ứng được nhu cầu cho các cháu học tập, sinh hoạt tại trường. Nhiều cháu đã phải xin thêm tiền bố mẹ để mua đồ dùng cá nhân hàng tháng.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bảo Thắng có gần 500 học sinh. Bên cạnh thực hiện chức năng dạy học theo chương trình phổ thông và nuôi dưỡng cho học sinh, nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ giáo dục về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; ý thức tham gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn sau khi tốt nghiệp; giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho con em đồng bào các dân tộc. Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường Phùng Thị Thu Hiền, trước thực tế thị trường giá cả biến động liên tục và ngày càng đắt đỏ, các cấp lãnh đạo nên quan tâm, nghiên cứu để điều chỉnh Thông tư 109 nhằm nâng cao mức hưởng của các em để đảm bảo sức khỏe và chế độ dinh dưỡng.
Tương tự, cô giáo Lưu Thị Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bắc Hà kiến nghị: "Nhà trường đề nghị nâng mức học bổng cho học sinh từ 80% lên 100% mức lương cơ bản, bảo đảm mức sống, sinh hoạt tối thiểu cho học sinh. Hiện nay, mức lương và chế độ đối với nhân viên phục vụ còn thấp, không bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu nên cần có hỗ trợ để họ yên tâm công tác…”.
Thêm vào đó, Thông tư 109 cũng quy định chi trả chế độ trang cấp ban đầu cho học sinh trường Trung học Cơ sở dân tộc nội trú với chăn bông, chiếu, màn, áo bông, áo đi mưa... Tuy nhiên, việc trang cấp này chỉ thực hiện một lần vào năm học đầu cấp. Điều này có nghĩa, một học sinh lớp 6 tại trường Trung học Cơ sở dân tộc nội trú sẽ được cấp áo bông, áo đồng phục... dùng cho cả 4 năm học. Trong khi đó, nhiều học sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn có chung một tình trạng là áo đồng phục vừa chật vừa ngắn ngay khi bước vào lớp 8. Đặc biệt, việc cấp áo mưa là không phù hợp do các em ở nội trú, chủ yếu di chuyển trong phạm vi nhà trường. Vì vậy, nhiều trường muốn đổi từ áo mưa, sang mua ô che mưa, che nắng (cùng giá tiền) cho các cháu nhưng đã bị cơ quan chức năng từ chối vì sai quy định.
Ngoài ra, Thông tư 109 chỉ hỗ trợ tiền tàu xe cho học sinh theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần để thăm gia đình vào dịp Tết hoặc dịp nghỉ hè. Trong điều kiện gia đình các em đều ở vùng xa, đặc biệt khó khăn, đa phần là hộ nghèo, việc hỗ trợ này chưa hợp lý.
Cần điều chỉnh phù hợp thực tế
Thời gian qua, Ban Dân tộc Lào Cai đã thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh tại một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn. Qua thanh tra cho thấy, các trường đã thực hiện tốt các quy định, chế độ theo Thông tư như: công tác tuyển sinh; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của Nhà nước hỗ trợ đối với học sinh... Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân tộc Lào Cai Nông Đức Ngọc, một số chế độ, chính sách đối với học sinh học tại các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông dân tộc nội trú thực hiện theo Thông tư liên tịch số 109 hiện không còn phù hợp.
Trưởng Ban Dân tộc Lào Cai cho biết, về mức học bổng, hiện học sinh đang được hưởng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước (bằng 1.192.000 đồng). Số tiền này cơ bản dùng để chi cho tiền ăn. Trong khi giá cả thị trường đều tăng hàng năm và điều kiện kinh tế của gia đình các em còn khó khăn (học sinh được tuyển vào học tại các trường là gia đình phải ở các xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn của các xã khu vực II và khu vực I), mức chi này đã gây khó khăn cho các trường học trong việc chăm sóc học sinh.
Học sinh khi nhập học được nhà trường trang cấp bằng hiện vật 1 lần một số đồ dùng cá nhân . Trưởng Ban Dân tộc Lào Cai cho biết thêm, thực tế, các đồ dùng chăn, màn, chiếu dễ bị hư hỏng nên rất khó để học sinh sử dụng được trong suốt quá trình học tập tại nhà trường (3 năm với bậc học Trung học Phổ thông và 4 năm với bậc học Trung học Cơ sở... ). Ngoài ra, mức chi bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn được cấp 50.000 đồng/học sinh/năm còn thấp, ảnh hưởng đến việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị của các trường...
Từ những khó khăn, tồn tại này, Ban Dân tộc đã báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 109 cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, Ban Dân tộc Lào Cai đề xuất, nâng mức hưởng học bổng cho học sinh bằng 100% mức lương cơ sở; thay đổi việc cấp đồ dùng cá nhân như: chăn bông, nylon đi mưa, áo bông thành chăn ấm, ô dù, áo ấm (bởi vì hiện nay trên trị trường có nhiều loại chăn, áo bảo đảm ấm, đẹp và ô che mưa, nắng thuận tiện cho sử dụng). Mỗi năm học sinh được cấp 1 áo ấm và 2 bộ quần, áo đồng phục (dài tay, ngắn tay). Học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm 2 lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp Tết và dịp nghỉ hè.
"Ngoài ra, nên sửa đổi mức chi bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn tập thể từ 50.000 đồng/học sinh/năm (tương đương 9,26% mức lương tối thiểu năm 2009) thành 10% mức lương cơ sở/học sinh/năm để bảo đảm tính ổn định lâu dài do giá cả thị trường hiện nay chênh lệch khá lớn so với năm 2009", ông Nông Đức Ngọc đề xuất.