Dạy cách học chứ không phải nhồi nhét kiến thức
Tỉ phú nổi tiếng Jack Ma trong một bài phỏng vấn đã từng thể hiện quan điểm ông chỉ cần con có học lực trung bình là ổn, ông muốn con có thời gian để học các kỹ năng khác. Ông có đồng ý với quan điểm này không?
Jack Ma là một nhà khởi nghiệp kinh doanh. Rất nhiều người làm kinh doanh không hề học giỏi. Họ thành lập công ty và sau đó trở nên rất thành công. Nhưng điều đó không có nghĩa tất cả những người học không giỏi ở trường đều sẽ thành công sau này trong cuộc sống. Nếu một người có khả năng học hỏi tốt, được trang bị kỹ năng tốt thì có thể học được nhiều điều từ cuộc sống hơn là từ trường học.
Ông vừa nhắc đến việc “biết cách học hỏi”. Vậy theo ông, đâu là điểm khác biệt giữa việc “học giỏi” và việc “có khả năng học hỏi tốt”?
Đây là câu hỏi thú vị. Trường học là một hệ thống và có những đứa trẻ biết cách học theo hệ thống hay nói cách khác là học những gì giáo viên muốn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào cách đánh giá của mỗi trường học. Nếu thứ duy nhất được khen thưởng ở trường là điểm số, thì trẻ sẽ chỉ học được cách đạt điểm cao. Còn nếu trường học coi trọng việc khen thưởng những phương pháp học tốt và hiệu quả thì các em sẽ học được các kỹ năng để học hỏi tốt.
Phụ huynh thường đặt kỳ vọng lớn vào con và thường khó chấp nhận thất bại của con. Ông có lời khuyên gì cho phụ huynh trong việc đặt ra những kỳ vọng cho con mình?
Tôi cho rằng trẻ cần được khuyến khích tự đặt mục tiêu và mục tiêu càng cao thì càng tốt. Phụ huynh cần giúp trẻ đặt mục tiêu cho chính bản thân trẻ, chứ không phải mục tiêu cho bố mẹ. Quá nhiều phụ huynh cho rằng tham vọng và đòi hỏi của họ là cái mà trẻ nên cố gắng hướng tới; mà không hiểu rằng vai trò của mình chỉ là giúp đỡ, thúc đẩy để trẻ có thể đạt mục tiêu cao nhất, chứ không phải để buộc trẻ phải đạt được mục tiêu đó.
Mô hình mà tôi đang dạy về Failing Well – Giúp trẻ có thái độ tích cực trước các thất bại, chỉ ra rằng trẻ không bắt buộc phải thành công ngay từ lần đầu tiên. Điều quan trọng nhất là nếu thất bại, hãy giúp trẻ phân tích và thay đổi quá trình thực hiện, rồi làm lại. Việc này sẽ giúp trẻ tự học, tăng khả năng thích ứng và cải thiện cách xử lý của mình cho tới khi đạt được mục tiêu. Thất bại khi đó sẽ không phải việc quá tồi tệ, trẻ có thể thất bại mà không bỏ cuộc.