Tại tỉnh Đắk Nông, chương trình đã kịp thời giúp đỡ những học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có máy tính để học tập trực tuyến.
Niềm vui khi được tặng máy
Chúng tôi đến thăm gia đình em Trần Thị Thu Huyền, học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Kim Đồng tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong đúng lúc em đang tham gia tiết học trực tuyến môn Toán trên chiếc máy tính mới được tặng.
Cầm trên tay chiếc máy mới, Huyền hào hứng giơ tay phát biểu và trả lời câu hỏi mà cô giáo đặt ra. Đôi mắt ngây thơ của em ánh lên niềm vui khó tả. “Từ khi được nhận chiếc máy tính, con có thể quan sát thầy cô, học các môn học và hiểu bài rõ hơn. Con thấy rất vui”, Huyền chia sẻ.
Gia đình Huyền thuộc diện hộ nghèo, mẹ em bị tai nạn thương tật, tất cả chi tiêu trong gia đình phải phụ thuộc vào bố em. Nhà Huyền không có đất sản xuất, gia đình có 5 người con khiến cuộc sống vốn khó lại càng khó khăn hơn. Để phụ gánh nặng mưu sinh, hai chị gái của Huyền phải nghỉ học từ sớm nhường “suất học” lại cho em với hy vọng tương lai của Huyền sẽ “tươi sáng” hơn.
Anh Trần Văn Thiệp (bố em Huyền) cho biết, do gia đình khó khăn nên không có điều kiện để mua máy cho em. Trước đây, để học trực tuyến, gia đình phải đi mượn điện thoại của người quen, hôm được, hôm không, khiến việc học bị gián đoạn. Từ khi có máy tính mới, Huyền học tốt hơn. Gia đình rất cám ơn sự sẻ chia, tạo điều kiện từ các cấp cho em học tập.
Em K’Tùng (dân tộc M’nông), học sinh lớp 3E, Trường Tiểu học Kim Đồng rất vui khi được nhận máy tính trong đợt đầu tiên. Khi chưa có máy, em phải học bằng phương pháp giao phiếu bài tập. Nhiều khi việc học của K’Tùng gặp khó khăn và hạn chế do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Huy động các nguồn lực
Đắk Glong là huyện nghèo, vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Huyện có 34 trường học các cấp, với gần 20.000 học sinh, trong đó gần 7.500 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn có nhu cầu hỗ trợ máy tính. Trong đợt 1, huyện có 140 học sinh được nhận hỗ trợ.
Bà Đinh Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cho biết, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa rất lớn đối với việc học và dạy trực tuyến. Đắk Glong là địa phương có số học sinh hộ nghèo đông. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chương trình đã kịp thời giúp các em học trực tuyến trong khi không thể đến trường học trực tiếp. Bên cạnh đó, chương trình đóng vai trò to lớn trong việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đối số trong ngành Giáo dục tại huyện Đắk Glong.
Tại huyện Đắk R’lấp, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã trao tặng 107 máy tính cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Chương trình triển khai kịp thời đã góp phần giúp đỡ, hỗ trợ các em học tập hiệu quả hơn, khai thác triệt để các chức năng để phục vụ học tập, tiếp cận kiến thức mới.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, trong khuôn khổ chương trình "Sóng và máy tính cho em", tỉnh đã triển khai trao tặng được hơn 1.040 trên tổng số 19.974 máy tính dự kiến trao tặng học sinh hộ nghèo, cận nghèo và học sinh có bố hoặc mẹ tử vong do dịch COVID-19. Ngành Giáo dục tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông kêu gọi quyên góp được gần 2 tỷ đồng. Vừa qua, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã quyết định hỗ trợ 30 tỷ đồng cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại Đắk Nông. Tổng số tiền này dự kiến trang bị được gần 12.800 máy tính bảng cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang xây dựng phương án mua sắm và lập danh sách học sinh thụ hưởng trình UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt.
Ông Trần Sỹ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã lan tỏa tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực. Việc có máy giúp các em học sinh tiếp cận thông tin, khai thác dữ liệu mở do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Đây là điều kiện để ngành Giáo dục có thể số hóa các khâu trong quá trình dạy và học”.
Theo ông Trần Sỹ Thành, vấn đề mà chương trình đang gặp phải là số học sinh của Đắk Nông thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn nhiều (chiếm gần 14%), nhưng số lượng máy cung cấp ít, khiến việc học trực tuyến chưa được đảm bảo; việc xét danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo từng năm, phê duyệt danh sách các năm có sự thay đổi, khiến quá trình cập nhật danh sách bị khó khăn… Để kịp thời cung ứng máy tính cho học sinh, thời gian tới, ngành Giáo dục địa phương sẽ thực hiện các quy trình mua sắm máy kịp thời, đảm bảo theo các quy định…