Ngày 15/4/2014,
tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Quốc tế về “Chuyển đổi mô hình giáo dục trong
thế kỉ 21”, do Hệ thống giáo dục Vinschool tổ chức. Với sự tham gia của
các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam và quốc tế, hội thảo đã
mang đến góc nhìn đa dạng về các xu hướng trong đổi mới giáo dục.
Những
nội dung được đề cập trong hội thảo cũng chính là
những
vấn đề “nóng” trong giáo dục hiện nay như: “Đổi mới phương pháp giáo dục và giáo viên trong vai trò nhân tố tạo sự
thay đổi”; “Sự phát triển toàn diện trong môi trường giáo dục”; “Phát triển và
bồi dưỡng kĩ năng – Những bước quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực toàn cầu
hóa”…
Hội thảo đã đưa ra các đề xuất cụ thể cho
giáo dục Việt Nam, tập trung giải quyết 4 bài toán lớn: Chất lượng giáo viên, chất
lượng chương trình, định hướng đào tạo; chất lượng đầu ra. Trong đó, các giáo
sư, chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo viên - những người đóng vai
trò quyết định vào thành công của việc triển khai các chính sách, chương trình đổi
mới giáo dục.
NGƯT.GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - thành viên Ban soạn thảo "Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015" của Bộ GD&ĐT, thành viên Hội đồng giáo dục của Hệ thống giáo dục Vinschool, phát biểu. |
Hội
thảo cũng thống nhất quan điểm: Đổi mới giáo dục cần hướng tới nâng cao chất lượng
đầu ra, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đây chính là quá trình chuyển
đổi mô hình giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức sang tăng cường năng lực
tư duy, khả năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng tìm kiếm thông tin và giải quyết
vấn đề cho người học.
GS. Dennis Shirley - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Đại học Boston, Mỹ, diễn giả tại Hội thảo. |
Tại
hội thảo, các diễn giả quốc tế cũng đã chia sẻ quá trình thay đổi phương pháp
giáo dục nhìn từ kinh nghiệm Mỹ, Singapore, Canada, Anh; những gợi ý trong đào
tạo nguồn nhân lực toàn cầu hoá từ kinh nghiệm Nhật Bản hay những bài học kinh
nghiệm, những phương pháp đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới…
Vấn
đề phát triển toàn diện trong môi trường giáo dục cũng là một điểm nhấn tại buổi
hội thảo. Đó là quan điểm về ứng dụng nghệ thuật trong nâng cao năng lực học tập
cho học sinh như cải thiện khả năng ngôn ngữ và toán học, khả năng giải quyết vấn
đề, cân bằng cuộc sống và hạnh phúc hơn, đặc biệt là tăng cường tư duy sáng tạo.
M.N