Ngày 14/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, hiệu trưởng một số trường phổ thông và các thầy cô giáo.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành đã đạt nhiều kết quả nhưng cũng còn nhiều bất cập, yếu kém. Nếu không thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế này trên tinh thần xây dựng, không chủ động giải quyết tận gốc vấn đề, có bước đi, lộ trình cụ thể thì sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo khó thành công.
Bộ trưởng chia sẻ: Gần đây, dư luận xã hội bàn nhiều về sự lo lắng, bất ổn của các thầy, cô giáo. Cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp cho vấn đề này. Trách nhiệm của Bộ là lắng nghe tham mưu của các nhà giáo, các cơ sở đào tạo giáo viên và ý kiến từ cơ sở, nhất là từ các giáo viên vùng khó khăn, phụ huynh để có cái nhìn tổng thể, thực tế về áp lực của thầy, cô.
Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục cần những giải pháp căn cơ để từng bước giải tỏa áp lực cho giáo viên, đặc biệt, các giải pháp cần nhận được sự đồng thuân, ủng hộ của giáo viên mới có thể thành công... Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Giáo viên chịu áp lực nhưng không thể vì thế mà đi ngược lại chuẩn mực đạo đức, những trường hợp này cần kiên quyết xử lý; đồng thời không thể vì những trường hợp cá biệt đó mà đánh giá toàn bộ lực lượng giáo viên. Trách nhiệm của ngành giáo dục là động viên, khuyến khích, bảo vệ những thầy cô làm tốt, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Nhiệm vụ của ngành là tạo điều kiện, cơ chế để giáo viên giảm bớt khó khăn, áp lực, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện bài giảng, đánh giá học sinh, giảm thủ tục hành chính, kê khai sổ sách với giáo viên. Đồng thời, ngành cũng xem xét chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ với giáo viên. Điều quan trọng là làm thế nào để giáo viên không “đơn độc”, giáo viên cảm thấy hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc. Bên cạnh đó, việc quan tâm, bồi dưỡng giáo viên không chỉ về kiến thức, mà còn là kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời bồi dưỡng cho hiệu trưởng kỹ năng quản trị nhà trường; bồi dưỡng đội ngũ quản lý giáo dục để thay đổi tư duy quản lý.
Đối với việc đào tạo giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Cần đổi mới chính sách tuyển sinh vào các trường sư phạm, không chỉ chú trọng kiến thức mà cần có phẩm chất đạo đức của người thầy. Trong quá trình giảng dạy, các cơ sở đào tạo giáo viên cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử trong dạy học cho giáo sinh để khi ra trường, giáo viên chủ động trong việc xử lý các tình huống, có khả năng chống đỡ với áp lực.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, hiệu trưởng và giáo viên các trường đã phân tích những áp lực mà giáo viên đang gặp phải hiện nay, nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp. Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía: Áp lực thi đua, áp lực điểm số, chạy theo thành tích… Trong khi đó, giáo viên đa phần được đào tạo theo phương thức cũ nên dạy học sinh theo hướng áp đặt, chấp hành kỷ luật mà không dạy học sinh tư duy phản biện và khả năng sáng tạo.
Vì vậy, giải pháp đưa ra là bản thân các thầy cô phải thay đổi, thoát khỏi lối dạy cung cấp kiến thức, trở thành người truyền cảm hứng cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường phải là nơi hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các thầy cô, tạo niềm tin cho giáo viên và phụ huynh học sinh. Đã đến lúc, giáo dục phổ thông cần thay đổi cách đánh giá, không nên dựa vào điểm số, không nên xếp loại kết quả chung vì mỗi học sinh đều có thế mạnh riêng. Việc đánh giá thi đua nên căn cứ vào chỉ số tiến bộ của học sinh, góp phần giảm áp lực cho giáo viên.
Cô Phan Thị Hồ Điệp, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra những áp lực mà giáo viên đang gặp phải từ phía phụ huynh. Ví dụ như, phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao vào con em mình, can thiệp quá sâu vào đời sống học đường, dạy con theo lối độc đoán, uy quyền… khiến con sợ hãi khi đến trường hoặc có hành vi gây hấn với bạn bè…
Để giải quyết vấn đề này, các nhà trường cần có tổ tư vấn, tiếp nhận ý kiến của phụ huynh, không thông qua trực tiếp giáo viên; đồng thời hướng dẫn phụ huynh các hình thức giao tiếp với con theo đúng tâm lý, lứa tuổi. Các trường thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện với phụ huynh để giải tỏa các khúc mắc. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường nên dạy trẻ yêu thương từ những điều nhỏ nhất, không đặt vấn đề quá to tát, vĩ mô.