Cô trò biến rác thải thành sản phẩm ứng dụng
Gần đây, tại các hội chợ hay những buổi triển lãm của trường THPT Nguyễn Hữu Huân thường xuất hiện những tấm thiệp, sổ tay, bức tranh, quai xách ly nước… được làm bằng giấy tái chế từ bã mía, thu hút chú ý không chỉ mọi người trong trường mà còn lan rộng ra nhiều trường học trong khu vực quận Thủ Đức. Đặc biệt, dự án sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía đã giành giải nhất cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020", do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức.
“Ý tưởng tái chế bã mía thành giấy và làm các sản phẩm handmade xuất phát từ một bài tập lớp 10 môn Hóa học trong tiết học STEM về sản phẩm tái chế của cô Quỳnh Phương. Cô đã theo sát và hướng dẫn em phát triển ý tưởng và sản phẩm của em ngày càng hoàn thiện hơn”, em Lương Tâm Như, lớp 12 A6 trường THPT Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.
Cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương cho biết, thay vì làm bài tập trên giấy, mỗi học sinh sẽ áp dụng những kiến thức đã học để đưa ra ý tưởng và làm một sản phẩm có tính ứng dụng ngay trong chính gia đình của các em. Đây là một trong những yêu cầu của tiết học STEM.
Nói về phương pháp dạy học STEM, cô Quỳnh Phương cho biết đây là phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh, trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Theo đó, mỗi lớp học sẽ được thiết kế 1 - 2 tiết STEM, giáo viên sẽ chọn một bài tập phù hợp với học sinh. Dựa vào chủ đề đưa ra, mỗi học sinh sẽ lên ý tưởng cũng như chọn nguyên liệu để tái chế sản phẩm, tính ứng dụng của sản phẩm, chụp lại hình ảnh của sản phẩm tái chế được và sau đó đó mỗi học sinh sẽ đứng trước lớp để thuyết trình về ý tưởng cũng tính ứng dụng của sản phẩm.
“Qua những hoạt động trải nghiệm như vậy, tôi thấy nhiều học sinh tuy học không giỏi nhưng lại có rất nhiều ý tưởng, khơi dậy tính sáng tạo của học sinh. Đồng thời, biến những bài học tưởng như rất khô khan lại trở nên thú vị và ứng dụng vào thực tiễn hơn. Đặc biệt những chủ đề lựa chọn liên quan đến môi trường, tái chế sản phẩm đã giúp các em ý thức bảo vệ môi trường”, cô Quỳnh Phương cho biết thêm.
Mạnh dạn đổi phương pháp dạy
Tốt nghiệp trường ĐH Sư Phạm TP Hồ Chí Minh, năm 2011 cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương về giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Hữu Huân, đây cũng là ngôi trường cô gắn bó suốt 3 năm học phổ thông. Cũng giống như nhiều giáo viên trẻ khác khi mới đứng trên bục giảng, cô gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh nghiệm nên vẫn dạy theo lối dạy học truyền thống.
Nhận thấy học sinh không thích thú, thậm chí sợ khi tới tiết học môn Hóa vì cho rằng đây là môn học khô khan, thậm chí nhiều học sinh “than” không biết học môn hóa để làm gì. Với những trăn trở làm sao để học sinh thích thú với môn Hóa và cho học sinh thấy được tính ứng dụng của môn Hóa vào thực tiễn, cô Phương đã mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy theo định hướng giáo dục STEM.
Từ sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, cô Phương đã biến tiết học khô khan, những bài tập chỉ trên giấy thành những giờ thực hành, tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Qua đó, cô còn khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học của sinh. “Đặc biệt, thông qua đó tôi đã trả lời được cho các em học hóa để làm gì”, cô Quỳnh Phương nói.
Cô Quỳnh Phương cho biết, ban đầu áp dụng phương pháp này vào dạy cũng gặp nhiều khó khăn vì cô trò không hiểu nhau nên dẫn đến tiết học không được thành công như mong đợi. Tuy nhiên, sau một hai năm thực hiện rút kinh nghiệm thì tiết học trở nên tốt hơn.
“Khó khăn lớn nhất khi thay đổi phương pháp dạy học này chính là cân đối về thời gian và đảm bảo kiến thức để học sinh vẫn có thể làm tốt các bài thi. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải mất nhiều thời gian và vất vả hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp học sinh thay đổi nhận thức về cách học bởi thực tế, khả năng sáng tạo của các em rất cao. Do đó, nếu chúng ta cho các em cơ hội thể hiện thì các em có thể làm được rất nhiều điều mà mình không nghĩ đến”, cô Quỳnh Phương nói.
Bên cạnh đó, cô Quỳnh Phương cũng cho rằng xã hội thay đổi quá nhanh, đòi hỏi giáo viên phải là người thay đổi trước. Trong thời gian tới, áp lực lớn nhất của giáo viên là làm sao đổi mới được phương pháp dạy học. "Vì là người dạy môn khoa học tự nhiên nên tôi cũng mong học sinh yêu thích các môn học tự nhiên, yêu thích nghiên cứu khoa học. Qua đó, các em thấy được học môn tự nhiên có thể ứng dụng rất nhiều vào cuộc sống hàng ngày chứ không phải chỉ học trên sách vở, học để thi", cô Quỳnh Phương chia sẻ.
Với những nỗ lực không ngừng đổi mới trong phương pháp giảng dạy, cô Quỳnh Phương nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng như: giải nhì bảng Khoa học tự nhiên cuộc thi “Thầy trò cùng leo núi 2019”, do Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; “Giáo viên dạy giỏi” từ cấp Quận, Huyện trở lên. Đặc biệt, mới đây cô được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tuyên dương giáo viên trẻ tiêu biểu thành phố năm 2020.