Nhiều ngành học mới
Năm nay Trường Đại học FPT mở thêm ngành Kinh doanh quốc tế và Công nghệ thông tin do nhu cầu nhân lực trong xã hội của hai ngành này đang ngày càng tăng cao.
Các trường đại học phía Nam cũng mở thêm nhiều ngành mới. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển thêm 6 ngành mới trong năm 2016. Cụ thể ở hệ ĐH sẽ có thêm các ngành: Dinh dưỡng và Ẩm thực, Quản trị du lịch và lữ hành, Công nghệ vật liệu, Công nghệ may, Hệ thống thông tin quản lý và ở hệ cao đẳng có thêm ngành Ngôn ngữ Anh. Lãnh đạo nhà trường cho biết, với nhu cầu nhân lực cho những ngành này, trường cam kết sinh viên sẽ có việc làm ngay khi tốt nghiệp.
Lò phản ứng hạt nhân tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: TTXVN. |
Năm nay ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến tuyển sinh 12 ngành mới, đặc biệt có cả những ngành thuộc nhóm nghệ thuật. Trong đó, 8 ngành đào tạo trình độ ĐH và 4 ngành trình độ thạc sĩ. Cụ thể, trình độ ĐH có các ngành: Thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thanh nhạc, piano, marketing, đạo diễn điện ảnh truyền hình, quay phim, diễn viên kịch điện ảnh. Trình độ thạc sĩ có 4 ngành là: Công nghệ sinh học, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh.
Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển thêm 3 ngành mới gồm ngành Quản lý xây dựng; ngành An toàn Thông tin và ngành Thiết kế Công nghiệp.
Hứa hẹn việc làm tốt
Theo kinh nghiệm tuyển sinh, ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng, thí sinh đăng ký vào những ngành học mới của các trường thì khả năng trúng tuyển có thể cao hơn, vì nhiều thí sinh chưa để ý hoặc còn nghe ngóng, chờ đợi khi chưa có thông tin từ các thế hệ đào tạo trước, nên chưa dám đăng ký.
Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên vẫn còn e ngại khi đăng ký vào ngành học mới do chưa có đầu ra. Điều này có một phần trong công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông. Tuy nhiên, nhiều trường đại học khi mở ngành học mới cũng đều đưa ra những lý giải về nhu cầu thị trường lao động.
Theo TS Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Điện lực Hà Nội, hầu hết những ngành học mới đều có nhu cầu việc làm cao. Một ngành học được các chuyên gia tuyển sinh gợi ý là ngành điện hạt nhân. Cả nước có 5 trường đại học và một viện đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân là Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Việc tuyển chọn sinh viên đi học chuyên ngành điện hạt nhân được giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Tốt nghiệp ĐH, sinh viên sẽ được tuyển dụng để làm tại lĩnh vực phát triển điện hạt nhân, chẩn đoán y khoa, chữa trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, các bệnh viện… Trong năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tuyển sinh 80 chỉ tiêu để tiếp tục cử đi đào tạo các ngành điện hạt nhân tại Liên bang Nga. Các em học sinh được ký cam kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để được hỗ trợ, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các em làm việc lâu dài với EVN.