Có nên thi trắc nghiệm từ năm 2017?

Sau khi dự thảo đổi mới thi, tuyển sinh năm 2017 được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) công bố, dư luận xã hội đã dấy lên những lo ngại về việc liệu có nóng vội khi quyết định hình thức thi trắc nghiệm, trong khi cách dạy và học lâu nay của Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được với hình thức thi này.

Băn khoăn của người trong giới

Theo dự thảo đổi mới thi, tuyển sinh 2017, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, trong 5 môn thi toán, văn, ngoại ngữ, khoa học xã hội (gồm tổ hợp ba môn địa lý, lịch sử, giáo dục công dân), khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp ba môn vật lý, hóa, sinh); thì chỉ có môn ngữ văn thi tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Đổi mới trong thi trắc nghiệm khiến nhiều thí sinh và nhà trường lo lắng.

Trước vấn đề này, hiệu trưởng một số trường như THPT Việt Đức, Đinh Tiên Hoàng, Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã lên tiếng rằng việc đổi mới thi như vậy rất vội vàng, chưa phù hợp với thực tế dạy và học hiện nay của Việt Nam.

Là người trực tiếp giảng dạy, thầy giáo Trần Mạnh Hùng, trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, thi trắc nghiệm nói chung và thi trắc nghiệm môn toán nói riêng là điều mới mẻ với hầu hết giáo viên và với tất cả học sinh THPT, nếu áp dụng ngay lập tức thì cả thày lẫn trò đều chưa biết có “xoay xở” kịp cho kỳ thi năm tới hay không.

“9 tháng - thời gian có thể coi là dài, nhưng để hệ thống lại tất cả kiến thức, chuyển hướng tư duy cho các em theo hướng thi trắc nghiệm, cũng không thày cô nào dám đảm bảo là sẽ kịp và sẽ có chất lượng cao trong kỳ thi tới được”, một thày giáo dạy toán khác cũng chia sẻ lo ngại về vấn đề này.

Về phía các Hiệp hội, thì Hiệp hội Toán học Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối hình thức thi trắc nghiệm với môn toán. Hội Sử học cũng đã “đánh tiếng” về việc thi trắc nghiệm sử là không phù hợp.

Đồng quan điểm này, PGS TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó hiệu trưởng trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng: Thi trắc nghiệm trong điều kiện hiện nay của Việt Nam sẽ chưa thể phản ảnh được năng lực thực sự của người thi; kết quả kỳ thi cũng sẽ không đủ độ chính xác để phân loại học sinh- nên sẽ không thể dùng cho việc tuyển sinh của các trường đại học. “Đặc biệt, nếu tổ chức thi trắc nghiệm môn toán là dở”, PGS. TS Lê Hữu Lập nhấn mạnh.

Thi trắc nghiệm có nhiều ưu việt?

Theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD - ĐT: Hình thức trắc nghiệm và tự luận đều có ưu nhược điểm riêng. Thi theo hình thức tự luận cho phép đánh giá khả năng diễn đạt, trình bày, đánh giá khả năng sáng tạo ở mức độ cao. Còn thi trắc nghiệm trong thì tính bao quát về kiến thức môn học sẽ cao hơn và ít sự may rủi hơn. Do đó, hai phương pháp này đều có thể dùng cho các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn. Tuy nhiên, với kỳ thi THPT quốc gia có hàng triệu thí sinh thi và phải xây dựng theo tiêu chuẩn nhất định; thì phương pháp trắc nghiệm sẽ áp đảo hơn so với tự luận.

Cụ thể, theo GS Thiệp, ở phương pháp trắc nghiệm thì chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào đề thi, chấm thi sẽ không bị ảnh hưởng. Còn nếu thi theo hình thức tự luận thì chất lượng của kỳ thi phụ huộc vào năng lực của người chấm.

Với tư cách là đơn vị đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong 2 năm qua và có những thành công nhất định; đồng thời là đơn vị “cung cấp” bài thi cho kỳ thi trắc nghiệm (nếu được tổ chức) năm 2017, PGS TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Thi trắc nghiệm không phải là hình thức kiểm tra, đánh giá xa lạ với học sinh phổ thông. Trong những năm học phổ thông, các em đã được làm quen với hình thức này và cũng đã được ứng dụng trong các kỳ thi khác nhau. Qua thực tế kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, với hình thức thi phần lớn là thi trắc nghiệm, đánh giá chung là thí sinh đáp ứng tốt.

Tuy nhiên, theo PGS TS Nguyễn Kim Sơn từ thực tế của trường đem ra áp dụng đại trà, thì cũng cần có những chỉnh sửa nhất định, cho phù hợp hơn. Đơn cử như với vấn đề ngân hàng đề thi: Trong dự thảo kỳ thi quốc gia 2017 của Bộ GD- ĐT nêu rõ, môn toán dự kiến có 50 câu, còn các bài thi tổ hợp- mỗi bài thi có 60 câu, là lượng câu hỏi khá lớn. Do đó cần cân nhắc việc xác lập một cấu trúc chi tiết đề thi để công bố cho học sinh nắm được. Đồng thời, phải tính toán số lượng bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu trung bình, bao nhiêu câu khó; để đảm bảo được sự phân hóa lớn, giúp kỳ thi đảm bảo được mục đích của mình; đặc biệt là giúp các trường ĐH thuận lợi trong việc xét tuyển.

Rõ ràng, vấn đề đáng lo ngại ở đây không phải là thay đổi hình thức thi sang trắc nghiệm; mà là việc nếu nóng vội ngay lập tức kỳ thi năm 2017 triển khai hình thức thi này, sẽ gây ra những khó khăn rất lớn cho giáo viên và học sinh; vì việc thay đổi tư duy không thể là chuyện của một sớm một chiều, sau 1 năm học là đủ. Cần có một lộ trình nhất định, ít nhất là cho 3 năm học THPT để học sinh có thể “chuyển hướng”. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe và tiếp thu, xây dựng một kế hoạch đổi mới thi cho phù hợp hơn, tránh gây ra những hoang mang, lo lắng không cần thiết; dẫn tới việc mất cả ý nghĩa của việc đổi mới cũng như tính ưu việt của hình thức thi được đánh giá là tiên tiến trên thế giới này.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn (trường THPT Ngô Thì Nhậm, Ninh Bình):

Nếu việc thi trắc nghiệm được triển khai, có lẽ vẫn xảy ra tình trạng luyện thi, dạy thêm, học thêm với ba môn thi bắt buộc: Toán, Văn, Ngoại ngữ và có thể còn là các môn khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên trong bài thi tổng hợp mà học sinh lựa chọn. Tình trạng học lệch vẫn diễn ra bởi học sinh chỉ chú trọng vào các môn thi bắt buộc và các môn trong bài thi tổng hợp học sinh đã chọn.

Cô giáo Phạm Thanh Thủy, giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội:

Đổi mới của Bộ GD-ĐT không chỉ khiến học sinh mà cả các giáo viên cũng lo lắng. Thay đổi cách ra đề theo hướng mà Bộ GD-ĐT đưa ra cần phải có lộ trình để học sinh làm quen, chứ hiện các trường đã bước vào năm học mới, nếu đột ngột thi theo phương thức tích hợp kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thí sinh sẽ không kịp trở tay. Đặc biệt các môn thi trắc nghiệm cũng rất mới. Nếu áp dụng đại trà thì việc ôn tập chúng tôi lo ngại là sẽ không kịp. Qua 2 năm theo hình thức thi chung, học sinh bắt đầu quen với cấu trúc đề, phương thức thi thì bộ lại thay đổi khiến nhiều phụ huynh phản ánh là họ rất hoang mang. Nếu thay đổi, Bộ GD-ĐT cần phải có lộ trình, kế hoạch trước để thầy cô thay đổi cả phương pháp học.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:

Thi trắc nghiệm khách quan mà nói có ưu điểm, nhưng cũng có nhược điểm. Đây không phải là phương pháp tốt để đánh giá năng lực tư duy và khả năng diễn đạt của học sinh, nhất là môn toán. Vì vậy, người ta thường tích hợp cả thi trắc nghiệm khách quan và thi tự luận.

 
Lê Vân
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga: “Không nên quá lo lắng”
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga: “Không nên quá lo lắng”

Trước những lo lắng của học sinh, giáo viên và các chuyên gia về hình thức thi trắc nghiệm. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga đã chia sẻ về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN